Ưu tiên phát triển nuôi tôm thâm canh

(Baohatinh.vn) - Đó là mục tiêu đặt ra của ngành NN-PTNT trong năm 2014 để từng bước khẳng định con tôm là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phát triển theo hướng thâm canh, nuôi tôm trên cát, công nghệ cao, ao đất lót bạt... không chỉ nâng cao năng suất, sản lượng mà còn tạo tính bền vững cho nghề nuôi tôm.

Nhìn lại sau một năm, nuôi tôm ở tỉnh ta với gam màu sáng. Tổng sản lượng nuôi tôm đạt 3.150 tấn, bằng 100% kế hoạch... Năng suất trung bình đạt 1,53 tấn/ha/vụ. Đặc biệt, với diện tích nuôi tôm trong ao đất lót bạt và ao nuôi trên cát, năng suất trung bình đạt 3,6 tấn/ha/vụ (nuôi trên cát trung bình 5,3 tấn/ha/vụ).

Nuôi tôm thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao ở Xuân Yên (Nghi Xuân)
Nuôi tôm thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao ở Xuân Yên (Nghi Xuân)

Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Lưu Quang Cần cho biết: 2013 là năm thực sự “khởi sắc” đối với nghề nuôi tôm của tỉnh. Mặc dù xẩy ra dịch bệnh, thiệt hại do thiên tai nhưng hầu hết diện tích nuôi tôm đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân nuôi tôm khắp nơi phấn khởi sau một năm được mùa, trúng giá. Với nhiều hình thức nuôi, đặc biệt, nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi ha nuôi thâm canh lãi 300-500 triệu đồng/vụ, điển hình như: nuôi trên cát ở Thạch Trị (Thạch Hà), Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) năng suất đạt 15 tấn/ha; ở Xuân Phổ (Nghi Xuân), năng suất đạt 20 tấn/ha; nuôi tôm trong ao vỗ bờ xi măng, vôi và bột đá ở Thạch Trung (TP Hà Tĩnh), năng suất đạt 7 tấn/ha, ở Xuân Phổ đạt 8 tấn/ha, hay nuôi tôm thẻ trong ao đất và ao đất lót bạt ở Hộ Độ (Lộc Hà) đạt 10 tấn/ha, Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên) 6 tấn/ha ...

Riêng hình thức nuôi tôm trên cát đã khẳng định được hiệu quả vượt hẳn so với các loại hình nuôi khác. Năm 2013, toàn tỉnh có 47 ha nuôi tôm trên cát của 9 cơ sở và chủ hộ nuôi nhưng sản lượng đạt 500 tấn, chiếm 15,8% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh. Doanh thu từ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát có nơi đạt 5-6 tỷ đồng/ha/năm.

Hiệu quả trên tiếp tục khẳng định nuôi tôm thâm canh áp dụng các công nghệ mới, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát và trong ao đất lót bạt vỗ bờ xi măng là hướng đi đúng đang được tiếp tục phát triển và nhân rộng. Kế hoạch đặt ra năm 2014, tổng diện tích nuôi tôm 2.064 ha (tăng gần 200 ha so với năm 2013), sản lượng 3.700 tấn. Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Đức Nhân, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến năng suất thấp. Muốn đạt được chỉ tiêu trên, năm 2014, ngành sẽ tập trung ưu tiên phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh ở những diện tích nuôi tôm sú kém hiệu quả và những vùng có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Mặt khác, đầu tư phát triển các vùng nuôi tôm có tính chất sản xuất hàng hóa lớn, nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, giảm thiểu dịch bệnh trên cơ sở phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái. Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm trên cát tại các vùng đã được tỉnh quy hoạch ở các địa phương Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà...

Với tư tưởng chỉ đạo trên, các địa phương đã sớm xây dựng lịch thời vụ phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời có những giải pháp về kỹ thuật, con giống, phòng trừ dịch bệnh... cho tôm nuôi. Kỹ sư thủy sản Trịnh Quang Luật - cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Nghi Xuân cho hay: Năm nay, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển các hình thức sản xuất tập trung. Theo đó, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đầu tư nuôi tôm trên cát... và chuyển đổi hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến sang thâm canh có hỗ trợ kinh phí cho người nuôi theo chính sách 24 của tỉnh. Tại những vùng bãi triều, cửa sông, cửa lạch, sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng sang nuôi theo hình thức lót bạt, nhằm tăng năng suất trên đơn vị diện tích.

Điều đáng mừng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều công ty ương dưỡng giống tôm tại chỗ đáp ứng hơn 17% nhu cầu trên địa bàn. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng con giống an toàn, sạch bệnh, ngành chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra các yếu tố đầu vào, triển khai quyết liệt công tác quản lý giống tôm theo quy định, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống trước khi nhập về và trước khi thả nuôi. Người nuôi tôm cần chú trọng công tác phòng trừ dịch bệnh trong quá trình nuôi, phát hiện sớm, xử lý kịp thời.

Năm nay, ngành NN-PTNT tiếp tục tranh thủ nguồn vốn trung ương và các tổ chức nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi, giống thủy sản và huy động từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và các ngân hàng thương mại để phát triển con tôm thực sự là sản phẩm chủ lực của tỉnh, đảm bảo cho nghề nuôi tôm hiệu quả và bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast