Việt Nam - Nền kinh tế hứa hẹn tăng trưởng nhất ASEAN

Tăng trưởng của Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh đối với các nhà phân tích kinh tế của Ngân hàng thế giới (WB), đặc biệt trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trong khu vực trên đà suy giảm.

Việt Nam - Nền kinh tế hứa hẹn tăng trưởng nhất ASEAN ảnh 1
Việt Nam đã chịu tác động về tài chính, tài khóa do giá dầu giảm. Ảnh: S.T.

Tăng trưởng cao

Ngày 5-10, WB công bố báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Đông Á vẫn tiếp tục là khu vực tạo động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế thế giới, đóng góp gần 2/5 tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Xét về tổng thể, ước tính toàn khu vực sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2015, giảm một chút so với mức 6,8% năm ngoái. Điều đáng lưu ý, tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã suy giảm trong nửa đầu năm nay. Trong khi tăng trưởng suy giảm tại Malaysia và Indonesia thì báo cáo của WB đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh của Việt Nam như một điểm sáng. Ngoài ra, trong khi dòng chảy thương mại khu vực và toàn cầu cũng suy giảm, thì Việt Nam lại hoàn toàn ngược lại.

Đối với Việt Nam, WB dự báo tăng trưởng sẽ đạt trên 6% trong năm 2015 nhờ cầu trong nước mạnh, và cầu trong nước mạnh lại phản ánh tăng trưởng tiêu dùng cá nhân và đầu tư. Cụ thể Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,2% năm nay và 6,3% năm 2016.

“Trong các nền kinh tế ASEAN thì Việt Nam và Philippines có điều kiện tăng trưởng hứa hẹn nhất” – WB nhấn mạnh.

Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam là một trong những quốc gia có hiệu quả hoạt động tốt. Trong khi các quốc gia ở Đông Á có tốc độ tăng trưởng giảm xuống thì Việt Nam và Philippines vẫn có tốc độ tăng trưởng đi lên. Việt Nam cũng quyết tâm mạnh mẽ để đạt được sự tăng trưởng này. Trước đây, Trung Quốc và Hàn Quốc cố gắng tăng trưởng 6-7%/năm nhưng họ cũng cần cải cách. Do đó Việt Nam cần cải cách ngành ngân hàng do nợ xấu cao, cải cách DNNN, tạo ra sân chơi công bằng cho DN, để các nhà đầu tư có vị thế như nhau…

Trả lời về tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đối với Việt Nam, ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương chia sẻ: TPP mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Việt Nam trong vài năm vừa qua nổi lên về mức độ tăng trưởng XK với đóng góp lớn cho nền kinh tế. Tiềm năng giúp cho Việt Nam tiếp cận với thị trường vẫn còn nhiều và TPP là cú hích lớn cho Việt Nam. Nhưng TPP cũng đem lại áp lực cho nhà sản xuất Việt Nam vì phải cạnh tranh, nhưng điều này cũng tốt. Về cơ bản, TPP rất tốt cho Việt Nam trong tăng trưởng dài hạn.

Cho rằng tác động của TPP với Việt Nam “nhìn chung là tín hiệu tích cực”, ông Sandeep Mahajan khẳng định nếu Việt Nam tận dụng được, sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và DN Việt Nam có cơ hội tiếp cận được thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Phải cải cách nếu muốn tăng trưởng cao hơn

Bình luận về việc giá dầu giảm, ông Sudhir Shetty nhận định Việt Nam là nước XK dầu thô nên sẽ có tác động về tài chính, tài khóa do giá dầu giảm. Tuy nhiên tác động của giá dầu giảm sẽ không nhiều như đối với Malaysia. Việt Nam cũng nhập xăng dầu, cho nên cán cân thương mại nói chung về dầu sẽ đem lại nhiều lợi ích chứ không phải gây hại.

WB cũng cho rằng các thách thức trung hạn của Việt Nam gồm có kiểm soát nợ công, thực hiện cải cách cơ cấu (nhất là trong ngành ngân hàng và DNNN) và kiến tạo môi trường thuận lợi hơn cho tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân.

Báo cáo của WB lưu ý mất cân đối tài khoá kéo dài đang gây quan ngại trong bối cảnh nợ công tăng. Theo WB, tình hình thu ngân sách năm 2015 cho tới thời điểm này cho thấy áp lực tài khoá còn tiếp diễn với thâm hụt ngân sách (tính cả trả nợ gốc) dự tính chiếm 5,6% GDP trong nửa đầu năm 2015. Điều đó thể hiện thu ngân sách còn hạn chế trong khi chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản tăng. Tổng nợ công và nợ do Chính phủ bảo lãnh tiếp tục tăng và đạt mức 59,6% trong năm 2014 (54,5% năm 2013).

“Tuy nợ công vẫn nằm trong giới hạn bền vững nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu ăn vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất khác trong ngân sách” – WB nhận định.

Do đó, WB khuyến nghị cần có một kế hoạch tốt nhằm củng cố tài khoá trung hạn và được thực hiện cùng với quá trình tái cơ cấu tổng thể nhằm củng cố tài chính cho DNNN và các ngân hàng quốc doanh. Đây chính là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế áp lực nợ công và tăng cường niềm tin của khu vực tư nhân.

“Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia phân tích độc lập đều nhất trí rằng cần đẩy nhanh tái cơ cấu thì mới có thể đạt mức tăng trưởng gần 7% và thực hiện tham vọng trở thành một nước hiện đại, công nghiệp hoá của Việt Nam” – WB lưu ý.

Theo Báo Hải quan

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast