Vốn ưu đãi GQVL ở Hương Sơn phát huy hiệu quả

Ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn Hương Sơn, nhu cầu vay vốn ưu đãi để GQVL rất lớn, trong khi đó nguồn vốn phân bổ của chương trình tín dụng này còn hạn chế. Doanh số cho vay 5 năm qua đạt gần 10 tỷ đồng dù chưa lớn nhưng từ đó đã có hàng trăm mô hình kinh tế được xây dựng thành công, nhiều hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên làm chủ cuộc sống và nhen nhóm khát vọng làm giàu.

Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng CSXH Hương Sơn được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong hệ thống về chương trình cho vay GQVL bởi sự chặt chẽ, khách quan trong việc cho vay và phối hợp hiệu quả với các tổ chức hội ủy thác trong quá trình hỗ trợ người vay phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Phát triển vườn rừng từ nguồn vốn GQVL ở Hương Sơn

Phát triển vườn rừng từ nguồn vốn GQVL ở Hương Sơn

Theo Giám đốc PGD- ông Nguyễn Hữu Tý, để nguồn vốn đến đúng đối tượng, ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội tăng cường tuyên tuyền cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi nói chung và chương trình cho vay GQVL nói riêng.

Từ đó người dân nắm bắt được đối tượng, thời gian, lãi suất vay để chủ động tiếp cận chính sách vay vốn ưu đãi và tự kiểm tra, giám sát việc cho vay ở địa phương mình.

Mặc dù ngân hàng đã ủy thác cho tổ chức hội đảm nhận việc bình xét đối tượng, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, nhưng để nâng cao hiệu quả của kênh vốn, cán bộ PGD Ngân hàng CSXH Hương Sơn đã trực tiếp tham gia thẩm định và theo dõi, kiểm tra suốt quá trình hộ vay sử dụng nguồn vốn.

Trong quá trình triển khai chương trình cho vay GQVL, PGD Ngân hàng CSXH Hương Sơn bám sát chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế của huyện và tiềm năng lợi thế của từng địa phương để đầu tư đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế vững chắc.

Theo đó, những sản phẩm cây, con chủ lực được xác định và các mô hình kinh tế huyện đang tập trung nhân rộng đã được ưu tiên nguồn vốn. Bên cạnh đó ngân hàng phối hợp chặt chẽ với 4 tổ chức hội nhận ủy thác chương trình (Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội người mù) triển khai quy trình cho vay một cách công khai, minh bạch và nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ vay. Từ đó, những năm qua, hàng trăm mô hình GQVL ở Hương Sơn đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của nguồn vốn ưu đãi.

Các hộ nuôi hươu ở Hương Sơn đều được vay vốn GQVL từ Ngân hàng CSXH

Các hộ nuôi hươu ở Hương Sơn đều được vay vốn GQVL từ Ngân hàng CSXH

Điển hình trong chương trình cho vay GQVL phải kể đến gia đình anh Nguyễn Hữu Tài ở xóm 1 xã Sơn Hàm. Năm 2008, chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo sau khi được tiếp sức từ nguồn vốn của chương trình cho vay hộ nghèo, anh Tài bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế trang trại để tính chuyện làm giàu từ tiềm năng đất đai rộng lớn của quê hương mình.

Bước ngoặt quan trọng của gia đình anh đã được Ngân hàng CSXH tiếp tục đồng hành bằng chương trình cho vay GQVL.

Liên kết với 2 hộ dân khác trong xã, anh Tài nhận 30 ha đất đồi rừng và thầu con đập Khe Mơ để phát triển kinh tế. Số vốn vay gần 60 triệu đồng cho 3 gia đình được Ngân hàng CSXH giải ngân năm 2008 đã tạo nguồn vốn ban đầu để hình thành mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp.

Sau gần 5 năm gây dựng, đến nay, 3 ha cây ăn quả đã cho thu nhập đều đặn, 27 ha rừng ít cũng bắt đầu bước vào kỳ thu hoạch. Cùng với đó, đàn bò thường xuyên được duy trì 30-50 con/năm; đập Khe Mơ những năm trước đã cho hàng chục tấn cá/năm (hiện nay, đập đang được sửa chữa sau sự cố vỡ đập mùa lũ năm 2010).

Anh Tài tâm sự: “Tôi biết ơn ngân hàng không chỉ bởi sự quan tâm, đầu tư vốn cho các hộ khó khăn ở xã vùng núi này mà còn bởi suốt quá trình khởi động mô hình với nhiều gian khó, chúng tôi luôn nhận được sự động viên, hỗ trợ, tư vấn từ phía ngân hàng, từ đó thêm vững tâm để có thành quả như ngày hôm nay”.

Bài học thành công trong quá trình thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi ở Hương Sơn còn là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và tổ chức hội nhận ủy thác để hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các mô hình vay vốn. Quá trình phối hợp cho vay vốn GQVL đối với các hội viên Hội Người mù huyện là một ví dụ rõ nét của sự phối hợp này.

Ông Nguyễn Thanh Vân - Chủ tịch Hội người mù Hương Sơn cho biết, nguồn vốn của TƯ Hội người mù phân bổ cho Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay trên địa bàn huyện là 180 triệu với mức vay chỉ 5 triệu đồng/hộ.

Nguồn vốn ít ỏi so với nhu cầu, mức vay mỗi hộ thấp là những khó khăn đặt ra cho tổ chức hội trong quá trình thực hiện chương trình cho vay GQVL.

Trong bối cảnh đó, từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng CSXH đã tham mưu cho Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện phân bổ thêm 100 triệu cho Hội người mù, đồng thời với nguồn này, mỗi hộ được vay tối đa 10 triệu đồng.

Chính sự ưu tiên này cùng với niềm tin, niềm hi vọng mà Ngân hàng CSXH gửi gắm qua kênh vốn đã khiến Hội người mù huyện càng nâng cao trách nhiệm trong quá trình cho vay.

Để đảm bảo vốn được đầu tư hiệu quả, hộ vay trả được lãi và nợ cho ngân hàng, BCH Hội đã trực tiếp tham gia tư vấn, hỗ trợ từng hộ vay, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và cùng tháo gỡ khó khăn cho hội viên. Hàng chục hội viên Hội người mù đã có được việc làm phù hợp, vươn lên chiến thắng hoàn cảnh, xây dựng cuộc sống no ấm cho gia đình mình. Điển hình như hộ Phạm Văn Học xã Sơn Hồng, Đình Văn Thuận (Sơn Tiến), Bùi Công Huân (thị trấn Phố Châu)…

Nguồn vốn giải quyết việc làm đã thực sự phát huy được hiệu quả rõ nét, góp phần cùng huyện miền núi Hương Sơn thực hiện thành công chương trình MTQG xây dựng NTM.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast