Korea Times: Chọn Hà Nội, Triều Tiên có thể học hỏi mô hình kinh tế của Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Cây viết Kim Bo-eun của Korea Times cho rằng thủ đô Hà Nội của Việt Nam có thể mang đến cho Triều Tiên cái nhìn về một mô hình kinh tế tiềm năng trong bối cảnh quốc gia này đang tìm cách từ bỏ chương trình hạt nhân để ưu tiên phát triển kinh tế.

Korea Times: Chọn Hà Nội, Triều Tiên có thể học hỏi mô hình kinh tế của Việt Nam

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: AP)

Việt Nam được lựa chọn là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vì đất nước này có quan hệ hữu nghị với cả hai bên. Tuy nhiên, điều quan trọng Hà Nội là trung tâm của của công cuộc đổi mới, chuyển từ kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, của Việt Nam.

Trong khi thành phố du lịch Đà Nẵng được Mỹ lựa chọn là ứng cử viên hàng đầu tổ chức cuộc gặp Trump - Kim lần 2, Triều Tiên được cho là đã nghiêng về phía thủ đô Hà Nội nhiều hơn, bởi Đại sứ quán Triều Tiên cũng đặt tại thành phố này. Cố chủ tịch Kim Nhật Thành - ông nội của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - đã đến thăm Hà Nội trong 2 dịp (năm 1958 và 1964), đồng thời tổ chức các hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây.

Trước khi công cuộc đổi mới được thực hiện vào năm 1986, Việt Nam là một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung phải chịu lạm phát cao và tăng trưởng chậm. Chính sách mới cho phép các doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng hóa cùng với các công ty thuộc sở hữu nhà nước và tập thể.

Theo chính sách đổi mới, nền kinh tế đã phát triển thành nền kinh tế hỗn hợp thị trường, dựa trên nền công nghiệp quốc doanh, cho phép Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, cùng với đó là bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/2 (giờ địa phương) viết trên mạng xã hội Twitter rằng: “Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un sẽ trở thành cường quốc kinh tế vĩ đại. Ông ấy có thể làm nhiều người ngạc nhiên nhưng tôi thì không, tôi hiểu rõ khả năng của Kim Jong-un. Triều Tiên sẽ trở thành một loại tên lửa khác - tên lửa kinh tế!”.

Trong chuyến công du Việt Nam hồi tháng 7 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hối thúc Triều Tiên học tập hình mẫu Việt Nam.

“Trước sự thịnh vượng và mối quan hệ đối tác mà chúng tôi có với Việt Nam ngày nay, tôi có một thông điệp cho Chủ tịch Kim Jong-un: Tổng thống Trump tin đất nước của ngài có thể tái tạo con đường của Việt Nam nếu ngài nắm bắt cơ hội này”, ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ đưa ra những bình luận trên sau khi ông vừa kết thúc cuộc họp cấp bộ trưởng tại Bình Nhưỡng để thảo luận về các biện pháp tiếp theo của Triều Tiên, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết sẽ tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hôm 12/6/2018.

Ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là phát triển nền kinh tế. Trong bối cảnh phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các quốc gia riêng lẻ, mục tiêu của Bình Nhưỡng là tìm cách nới lỏng các lệnh trừng phạt, coi đây là các biện pháp tương ứng trong quá trình giải trừ hạt nhân.

Mỹ tuyên bố duy trì sức ép trừng phạt cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn tuy nhiên bóng gió rằng các biện pháp sẽ có thể được giảm bớt một phần nếu Bình Nhưỡng thực hiện các bước quan trọng thể hiện cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân.

Triều Tiên dường như đã kêu gọi nới lỏng cấm vận để cho phép mở lại Khu công nghiệp Gaeseong liên Triều và nối lại các tour du lịch tới núi Geumgang. Hiện chưa chắc chắn liệu Mỹ có đồng ý việc này trong thượng đỉnh lần 2 ở Việt Nam ngày 27 và 28 tháng 2 tới đây không.

(Theo Korea Times)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.