Kỷ niệm những lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(Baohatinh.vn) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần về thăm và làm việc tại Hà Tĩnh. Khi còn là lãnh đạo ở huyện Can Lộc, rồi ngành VH-TT&DL tỉnh, tôi được phép nhiều lần tham gia đón tiếp, gần gũi Tổng Bí thư. Mỗi lần gặp như thế đều để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp...

Ngày 9/11/2013, Đại hội đồng UNESCO ra Nghị quyết 191/EX 32. Chúng tôi được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh giao nhiệm vụ xúc tiến công việc để tiến tới tổ chức các hoạt động vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du nhân kỷ niệm lần thứ 250 năm ngày sinh của cụ.

Sau khi làm việc với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Bí thư họp để nghe lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT&DL, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh báo cáo kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp.

123.jpg
Sau nghi lễ dâng hương tại khu mộ Tổng Bí thư Hà Huy Tập vào năm 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chụp ảnh lưu niệm với cán bộ các cấp, ngành, đơn vị tỉnh Hà Tĩnh. Trong ảnh: Tác giả đứng thứ 2 từ trái sang.

Qua nghe báo cáo, thảo luận, còn có nhiều ý kiến còn khác nhau, như UNESCO trong nghị quyết không gọi Nguyễn Du là Đại thi hào mà chỉ ghi là “Thi hào Nguyễn Du, Việt Nam” và trong 108 vị được khuyến nghị các quốc gia thành viên đồng tham gia kỷ niệm, nhiều thi hào của các nước khác cũng chỉ ghi như vậy. Mặt khác, theo đại diện Bộ Ngoại giao, UNESCO không ghi cụm từ trong nghị quyết là danh nhân văn hóa thế giới cho các vĩ nhân đề nghị tổ chức kỷ niệm trong niên khóa 2014-2015 và kể cả các lần trước đó. Đến cuối buổi họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận 3 việc, rất ngắn gọn, rõ ràng, dứt khoát:

Một là, Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều bất hủ là thi hào lỗi lạc, tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, có sức lan tỏa khắp thế giới, Nhân dân ta từ lâu đã gọi cụ, tôn vinh cụ là Đại thi hào thì nay nay ta cũng theo như thế. Nguyễn Du xứng đáng là Đại thi hào của dân tộc ta và của nhân loại.

Hai là, tổ chức UNESCO đã khuyến nghị gần 200 quốc gia thành viên đồng kỷ niệm vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du với di sản văn chương có các giá trị tư tưởng, nghệ thuật mang tầm tinh hoa nhân loại, thế thì gọi ông là Danh nhân văn hóa thế giới là đúng đắn, không cần bàn cãi.

Ba là, tổ chức lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới ở cấp quốc gia do Ban Chấp hành Trung Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đồng chủ trì tại Hà Tĩnh trong tháng 12/2015 một cách trọng thể nhất.

Đó là những kết luận xác đáng của một nhà lãnh đạo có bản lĩnh, nhạy cảm và có tầm hiểu biết sâu sắc về văn học nước nhà.

Trước đó, để có thêm tư liệu cho Tổng Bí thư, trước hội nghị này một tháng, tôi đã đề nghị GS Nguyễn Hoàn (năm 1965 là Thư ký của Viện Văn học, sau này là Phó Viện trưởng) viết “Hồi ức về lần Bộ Chính trị họp bàn kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du năm 1965” do Hồ Chủ tịch và Tổng Bí thư Lê Duẩn chủ trì. Lần ấy, theo cụ Hoàn, cũng có những ý kiến khác nhau, nhưng cuối cùng, dù trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh ở cả hai miền, Bác Hồ đã kết luận tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du một cách to nhất, có thể. Thư này đã được GS Nguyễn Hoàn gửi trực tiếp đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và được đăng sau đó trên Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh.

Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du đã được tổ chức trọng thể tại thành phố Hà Tĩnh vào ngày 5/12/2015. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về dự. Tôi vinh dự được trực tiếp chấp bút chuẩn bị bài phát biểu cho Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo tỉnh tại lễ kỷ niệm này.

123-9354.jpg
Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du, ngày 5/12/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác Trung ương đã về dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích Nguyễn Du ở xã Tiên Điền (nay là thị trấn Tiên Điền), huyện Nghi Xuân, sau đó tham dự lễ kỷ niệm do tỉnh tổ chức vào tối cùng ngày ở Quảng trường TP Hà Tĩnh.

Tháng 1/2011, tôi vinh dự tham gia Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2011-2016. Tôi thực sự ấn tượng với bài phát biểu kết luận các phiên thảo luận của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trước đại hội, nhất là về Cương lĩnh Chính trị của Đảng thời kỳ quá độ đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bằng trí tuệ uyên bác, tầm nhìn chiến lược sâu rộng, lập luận chính xác, thuyết phục, thay mặt Đoàn chủ tịch, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã quy tụ được trí tuệ các đại biểu, thống nhất cao về đường hướng chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ.

Bằng sự nhìn nhận sáng suốt của đại hội, Ban Chấp hành Trung ương đã lựa chọn bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư của Đảng. Qua gần 3 khóa đảm nhận cương vị Tổng Bí thư - người lãnh đạo cao nhất của Đảng và của dân tộc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã bộc lộ tài năng của một nhà lãnh đạo lỗi lạc, chèo lái con thuyền đổi mới và hội nhập, đưa đất nước vượt muôn vàn khó khăn để có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay.

1.jpg
Đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh tham dự Đại hội XIII của Đảng vinh dự được chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần về thăm và làm việc tại Hà Tĩnh. Khi còn là lãnh đạo ở huyện Can Lộc, rồi ngành VH-TT&DL, tôi được phép nhiều lần tham gia đón tiếp, phục vụ và gần gũi Tổng Bí thư. Mỗi lần gặp như thế đều để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp về một nhà lãnh đạo tài năng, giản dị, liêm khiết, tình cảm, gần dân...

Được tin người đứng đầu Đảng ta ốm nặng rồi từ trần, tôi bàng hoàng và vô cùng xúc động, nước mắt cứ rưng rưng. Một cây đại thụ ngã xuống. Một khoảng trời trống vắng. Người ra đi muôn triệu trái tim đất Việt và bạn bè các nước thương tiếc.

Nhưng, đau thương sẽ biến thành hành động. Toàn dân nối vòng tay lớn, vững niềm tin ở Đảng, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết, siết chặt đội ngũ, vượt mọi trở lực khó khăn, xây dựng đất nước ta hùng cường tươi đẹp.

Xin bày tỏ lòng ngưỡng vọng tin yêu và xin dâng lên cố Tổng Bí thư những nén tâm hương, những bông hoa ngời sắc đỏ. Vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo được Nhân dân yêu mến.

Viết trong đêm 19/7/2024

Đọc thêm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Theo thông tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia y tế đầu ngành… tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Phong trào thi đua quyết thắng tạo động lực xây dựng LLVT Hà Tĩnh vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu

Phong trào thi đua quyết thắng tạo động lực xây dựng LLVT Hà Tĩnh vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu

LTS: Sáng 19/7, Lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Đại hội thi đua quyết thắng giai đoạn 2019 - 2024. Nhân dịp này, Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài biết của đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh với tựa đề: "Phong trào thi đua quyết thắng tạo động lực xây dựng LLVT Hà Tĩnh vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu”.