Kỳ thi sẽ công bằng và chuẩn mực hơn

Đó là đánh giá của hầu hết các cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo cấp THPT và giảng viên đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), khi trao đổi với chúng tôi về Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 vừa được Bộ GD&ĐT công bố.

ky thi se cong bang va chuan muc hon

Ý kiến chung cho thấy, vấn đề việc tiếp tục đổi mới là cần thiết để hoàn thiện công tác tổ chức kỳ thi hoàn thiện nhất, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các kỳ thi đã qua. Vấn đề nằm ở chỗ quyết tâm thực hiện của toàn ngành, sự thấu hiểu và ủng hộ của xã hội trong công tác này.

Giảm học lệch, đảm bảo thực chất quá trình đào tạo

Theo cô Nguyễn Thị Ánh Mai - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (Quận 12, TPHCM), dù về cơ bản, đề xuất của Dự thảo Bộ GD&ĐT vừa đưa ra với những thay đổi chủ yếu trên phương diện kỹ thuật (áp dụng thành tựu của CNTT), nhưng đã hướng tới đảm bảo được tính an toàn, công bằng và chuẩn mực của phương thức tổ chức thi tiên tiến mà các nước trên thế giới đã áp dụng (mỗi phòng thi một mã đề) sẽ không chỉ tiết kiệm chi phí tổ chức thi, chi phí của học sinh, từng gia đình mà còn đảm bảo được sự chuẩn xác trong kết quả thi.

Điểm mới đáng chú ý nhất của Dự thảo chính là việc Bộ GD&ĐT cho phép mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh của địa phương (năm ngoái 2 cụm).

Điều này không chỉ cho phép thí sinh được tự do lựa chọn địa điểm thi phù hợp với mình mà còn tiết giảm chi phí tổ chức thi cho các trường đại học, chi phí di chuyển của thí sinh rất nhiều.

Cũng theo cô Mai, việc tổ chức thi theo phương thức thi mới, các bài thi dàn đều ra ở mọi lĩnh vực, đủ hai ban (KHTN và KHXH) không chỉ giúp thí sinh đảm bảo được khối lượng kiến thức cần thiết mà còn tránh được việc học lệch trong nhà trường hiện nay, đặc biệt là với các khối chuyên ban.

Mặt khác, kết quả xét công nhận tốt nghiệp còn là sự kết hợp đánh giá (50%) quá trình học tập của học sinh ở bậc học phổ thông nên đây theo ý kiến cá nhân cô Mai thật sự là phương án thi khả dĩ, chuẩn mực nhất trong thời điểm này.

Tuy nhiên, theo cô Mai, do vẫn đang là dự thảo nên thiết nghĩ Bộ GD&ĐT cần thời gian lấy ý kiến rộng rãi, tính toán thời điểm để áp dụng triển khai sao cho thật phù hợp, tránh làm học sinh và nhà trường có cảm giác gấp rút.

“Năm nào cũng nghe phản ánh về việc nơi này, nơi kia tổ chức thi chưa nghiêm, công tác coi thi còn lỏng lẻo, nhưng với phương thức thi mới này, tôi tin chắc những vấn đề theo dạng “tin đồn” như trên sẽ không còn.

Bởi học sinh thi và làm bài trên nền tảng CNTT là chủ yếu, việc chấm bài thi thay vì thầy, cô như hồi trước, nay sẽ được máy quét và chấm nên chắc chắn sẽ không thể có sự thiên vị, này nọ. Đây chính là nền tảng cho chúng ta nhìn nhận, xây dựng và khẳng định chất lượng đào tạo bậc học phổ thông” - Cô Ánh Mai đánh giá.

Sẽ giảm được tình trạng học tủ, học lệch

Cũng thể hiện quan điểm tích cực đối với Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 vừa được Bộ GD&ĐT công bố, TS Đặng Thanh Sơn - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo ĐH và sau ĐH (Trường ĐH Kiên Giang) - nhận định: Việc Bộ GD&ĐT thay đổi hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm ở môn Toán và các môn xã hội, (trừ môn Ngữ văn làm bài thi trên giấy) trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ đánh giá năng lực của thí sinh khách quan hơn, hứa hẹn một kỳ thi nghiêm túc, trung thực và nhẹ nhàng.

Theo TS Đặng Thanh Sơn, Kỳ thi THPT quốc gia 2017 không có sự xáo trộn quá nhiều, chủ yếu thay đổi về mặt kỹ thuật để làm giảm áp lực thi cử cho học sinh.

Rút ngắn thời gian thi 4 môn trong 2 ngày sẽ giảm rất nhiều chi phí sinh hoạt, đi lại thi cử cho thí sinh, gia đình và xã hội. Đồng thời, giảm bớt khó khăn trong công tác tổ chức thi.

Hướng cải tiến Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 chuyển từ thi theo môn sang thi theo 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) sẽ đánh giá được đồng bộ, bao quát kiến thức của học sinh ở tất cả các môn học, tránh tình trạng học tủ, học lệch.

Đề thi môn Ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 60 phút. Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 50 câu trắc nghiệm làm trong 90 phút.

Trong phòng, mỗi thí sinh sẽ được cấp một mã đề thi riêng không giống nhau, tránh tình trạng gian lận thi cử, quay cóp, nhìn bài bạn vì trong cùng phòng thi. Nhiều câu hỏi trong bài thi sẽ mang tính phân hóa từ dễ đến khó sẽ phân loại được năng lực của thí sinh, đưa ra kết quả đáng tin cậy.

Áp dụng hình thức thi trắc nghiệm và chấm thi trên máy sẽ giảm thiểu tối đa vấn đề tiêu cực trong chấm thi, mang đến kết quả chính xác, đồng đều giữa các địa phương trong cả nước, đảm bảo không bị thiên lệch, chủ quan của người chấm ảnh hưởng đến kết quả bài thi.

TS Đặng Thanh Sơn cho rằng: Thi theo hình thức mới thí sinh sẽ có cơ hội chọn nhiều trường, đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Tỷ lệ ảo vì vậy cũng tăng cao, đòi hỏi các trường cần áp dụng phần mềm lọc thí sinh ảo để hỗ trợ trong quá trình xét tuyển đầu vào cho thí sinh đăng ký xét tuyển.

Cũng theo ông, phương thức thi mới sẽ khiến học sinh đỡ vất vả hơn, thu được nhiều kiến thức hơn. Việc đưa môn Giáo dục công dân vào bài thi tốt nghiệp THPT là một trong những điểm mới và điểm sáng trong kỳ thi năm nay, điều này làm tăng khả năng nhận thức, rèn luyện đạo đức cho thí sinh.

Song việc thay đổi quá nhanh có thể làm cho thí sinh, thầy cô không kịp thích ứng, ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả. Trên cơ sở đó, TS Đặng Thanh Sơn kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm triển khai, giới hạn kiến thức để các trường chủ động trong việc hướng dẫn học sinh ôn tập ngay từ nửa cuối kỳ I của năm học này.

“Việc thi rút xuống chỉ còn 2 ngày với 5 bài thi chủ yếu được thực hiện trên máy tính (trắc nghiệm) sẽ tiết giảm rất nhiều chi phí cho các cá nhân, tập thể và địa phương. Kỳ thi đã hướng đến mục tiêu lớn nhất mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Tiết kiệm - giảm áp lực và công bằng” - Cô Nguyễn Thị Ánh Mai nhận xét.

Theo Báo GD&TĐ

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.