Trong một bước đột phá đáng kinh ngạc của ngành y học, các bác sĩ và chuyên gia nghiên cứu đã giúp bệnh nhân bị tê liệt chân trái do chấn thương cột sống có thể đi lại được bình thường nhờ vào quá trình tập luyện với công nghệ khung hỗ trợ tích hợp kết nối với não bộ của họ.
Các nhà khoa học đã phát triển Dự án Walk again, khởi nguồn từ trụ sở tại Sao Paolo, Bazil nhằm mục đích giúp các bệnh nhân bị liệt có thể đi lại bằng việc sử dụng khung hỗ trợ điều khiển bằng ý nghĩ. Kết quả đáng ngạc nhiên, sau thời gian tập luyện, cả 8 bệnh nhân tham gia Dự án Walk again đều có thể lấy lại cảm giác va chạm, tiếp xúc, chuyển động ở các chi dưới. Những bệnh nhân này đều có các dây thần kinh kết nối đến cột sống bị tổn thương nặng nề nhưng các chuyên gia nghiên cứu tin rằng một vài dây thần kinh còn lại đã được kích hoạt bởi việc luyện tập và nối lại tín hiệu với bộ não.
Khung hỗ trợ tích hợp kết nối với não bộ
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Khi mới bước vào giai đoạn bắt đầu của dự án, một bệnh nhân không thể đứng được ngay cả khi có sự trợ giúp của thanh đỡ và đặt vào tư thế thẳng đứng phù hợp, nhưng sau 10 tháng liên tục luyện tập, bệnh nhân này đã có khả năng đi bộ với sự hỗ trợ của xe tập đi, thanh đỡ cùng sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa. Ở giai đoạn này, bệnh nhân sẽ định hướng bản thân tự kiểm soát các chuyển động của đôi chân theo các động tác đi bộ thông thường. 7 bệnh nhân còn lại có thể đi lại với hai nạng và công cụ hỗ trợ chân và không cần sự trợ giúp của chuyên gia trị liệu”.
TS. Miguel Nicolelis, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thần kinh, Đại học Duke (Mỹ) cho biết: “Trước đây các bệnh nhân này đều được chẩn đoán bị liệt hoàn toàn, nhưng hiện tại, sau quá trình điều trị, tình trạng của họ chỉ bị coi là liệt một phần cơ thể, đồng thời các dấu hiệu phục hồi vẫn đang tiếp tục. Đây là kết quả bất ngờ ngay cả đối với những chuyên gia tham gia dự án”.
Quá trình luyện tập bao gồm, bệnh nhân sử dụng công nghệ thực tế ảo để điều khiển một số hình mẫu số hóa trên máy tính tích hợp với một giao diện mô phỏng não. Vì vậy, khi họ nghĩ đến việc bước đi về phía trước, hình ảnh đại diện trên máy tính sẽ di chuyển như thể nó là cơ thể của họ. Theo TS. Nicolelis, đột phá lớn trong việc khiến người bại liệt hoàn toàn có thể đi lại được chính là nhờ vào quá trình nỗ lực tập luyện với nền tảng số đa dạng bao gồm cả giao diện thực tế ảo, điều khiển robot và khung hỗ trợ từ đó kích thích phục hồi các tế bào thần kinh ở não. Điều này cũng kích hoạt các phản hồi xúc giác, cảm giác của người bệnh. Các bệnh nhân cũng lấy lại được mức độ kiểm soát của bàng quang, kiểm soát ruột và chức năng tim mạch của họ cũng được cải thiện đáng kể.
“Ngoài ra, khi một người được chẩn đoán bị chấn thương cột sống và được coi là liệt hoàn toàn điều đầu tiên họ nghĩ đến là việc gắn bó cả đời với chiếc xe lăn nhưng chúng tôi tin rằng kết quả Dự án Walk again với việc kiên trì luyện tập lâu dài, duy trì việc kết hợp giữa điều khiển bằng suy nghĩ với thiết bị máy móc sẽ là phương pháp hỗ trợ tốt nhất giúp các bệnh nhân liệt có hy vọng đi lại được bình thường”. TS. Nicolelis nhấn mạnh, và thành công của Dự án Walk again đã mang lại hy vọng cho hàng triệu người liệt toàn thân hy vọng một lần nữa được đi trên chính đôi chân của mình.