Làng quê xưa. Ảnh: Internet
Chìm trong giấc ngủ sâu sau đêm mưa tầm tã và tỉnh dậy bởi tiếng ộp oạp của ễnh ương vọng đến từ khu vườn, mùi thơm nồi nhút mẹ nấu tỏa ra trong không gian ẩm ướt của căn nhà, tôi biết mùa lụt đã đến.
Đó là mùa mưa lụt trong ký ức tôi những năm cuối thập niên 80 đầu 90 của thế kỷ trước.
Nằm dưới chân Ngàn Hống, ngày ấy, như nhiều làng quê Hà Tĩnh khác, làng tôi nghèo lắm. Trước đó không lâu, nhiều người dân quê tôi gồng gánh, lũ lượt kéo nhau đi làm kinh tế mới ở miền Nam, bỏ lại nhiều ngôi nhà vườn hoang cỏ mọc. Những con đường làng nhỏ phủ kín bởi những rặng tre cao vút hai bên. Trong làng, ao, hồ rất nhiều, vì thế mùa mưa có rất nhiều trận lụt…
Sau đêm mưa bão tầm tã, sáng ra, nước ngập xóm làng và mùa lụt đã về. (Trong ảnh: Nước ngập băng làng ở xã Thạch Thắng, Thạch Hà, tháng 10/2020, ảnh tư liệu của T.V).
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu sao hồi đó bão vào miền Trung nhiều như thế và Hà Tĩnh lại luôn là tâm của vùng gió xoáy. Trong những trận cuồng phong của thiên nhiên, tôi nhớ mãi cơn bão số 9 năm 1989 hay 1990 gì đó. Đó thực sự là một cơn bão khủng khiếp đã tràn qua quê tôi.
Sau buổi chiều chăn trâu trên cánh đồng khô rang cùng lũ bạn, chúng tôi ra về khi mây bắt đầu vần vũ trên bầu trời. Bố mẹ và các anh chị tôi lo thu dọn đồ đạc, chất lúa lên cao, chặt tỉa những cây tre có thể bị gió quật ngã lên mái nhà, giằng néo lại cửa…
Trong lúc làm, bố tôi vặn hết cỡ chiếc radio. “Tin bão khẩn cấp, cơn bão số 9…. Dự báo 24h tới bão di chuyển theo hướng Tây…”. Bố tôi đang buộc lại cái giại (rèm cửa bằng tre) bỗng dừng lại: “Chết! 18,2 độ vĩ Bắc, lại đi theo hướng Tây là tâm bão ngay giữa Hà Tĩnh mình rồi”. Cũng nhờ những lần như thế, kiến thức địa lý về vĩ độ, kinh độ, đặc biệt Hà Tĩnh nằm ở trong khoảng vĩ độ, kinh độ nào, tôi thuộc nằm lòng.
Mùa bão lũ đến, người lớn với đầy nỗi lo (Ảnh tư liệu của T.V)
Đêm, sau những trận mưa như trút là những cơn gió giật mạnh dần. Bố tôi chong mắt với ngọn đèn dầu Hoa Kỳ gắn chụp thủy tinh, cố gắng không để cho nó tắt, vừa nghe đài, vừa ngóng gió: “Gió giật như thế này là mới cấp 8, 9, tâm bão vẫn chưa đến ta”. Và rồi “ràn rạt” liên hồi trên mái nhà, bố tôi hoảng hốt đứng lên cũng là lúc ngôi nhà cột gỗ, mái ngói của tôi run lên bần bật từng hồi. “Bão chính thức vô ta rồi”. Bố tôi kêu lên. Mấy anh chị em chúng tôi ngồi dậy mở mắt thao láo, tai dỏng lên cùng bố mẹ nghe ngóng, thức cùng bão…
Sau một khoảng thời gian quần thảo, bão yếu dần là lúc những trận mưa bắt đầu ồ ạt trút xuống. Mấy anh chị em tôi thở phào, bố đội mưa từ ngoài sân đi vào nói với mẹ tôi: “Nghe nói làng trên 20 nhà trúng luồng gió mạnh bị đổ, chuồng trâu nhà mình bay một mái rồi, bụi tre nhà bà Điều đổ lên mái nhà mình quệt mất mấy viên ngói, “giói” cho kịp không chi ướt hết lúa…”. Trong khi anh chị lớn cùng mẹ giúp bố “giói” lại mái nhà, tôi chìm vào giấc ngủ trong âm thanh rào rào của những cơn mưa.
Trẻ con ngày mưa lũ. Ảnh: Internet
Sáng ra trời đã lặng, tiếng ễnh ương ộp oạp sau nhiều ngày nắng hạn rúc trong bẹ chuối khiến tôi tỉnh giấc. Chỉ tạnh được mấy tiếng, mưa lại đổ xuống từng đợt. Mưa làm nổi lên những bong bóng trên mặt sân ngập nước. Trong khi, bố mẹ bận kê đồ đạc lên cao vì nước đã vào nhà ngang, tôi ngồi nhìn nước đang dâng lên trên sân và nghĩ đến trò chèo thuyền.
Dưới rèm cửa chống lên trước sân, tôi lấy chiếc chậu nhôm cỡ lớn bỏ mấy con cún con vào cho chúng làm “khách qua sông”, mặc con chó mẹ xoắn xuýt kêu ầm ĩ. Trời ngớt mưa, ấy là lúc tôi tìm cách để đi lội lụt với mấy đứa bạn…
Bữa cơm mùa lụt chỉ có nhút cà xào mỡ và cá khô...
Một cảm giác mới lạ giữa những con đường quen thuộc khô khắt nay đã ngập băng, chúng tôi xắn quần lên đến bẹn lội hết đường này thông sang đường khác, tò mò xem nhà ai đã bị ngập, đường nào nước còn chưa đến, rồi hò nhau bắt cá trên đường… Cho đến khi bố mẹ la mắng đi tìm, cả lũ mới chịu quay về. Bữa cơm mùa lụt chỉ có nhút xào mỡ, cá khô…
Hơn chục năm nay, làng tôi khang trang dần, hệ thống kênh mương thoát nước hiện đại được xây dựng, đường làng đổ cao rộng rãi, nhà cửa kiên cố… Mỗi lần mưa bão, làng không còn chịu cảnh lụt lội như ngày xưa nữa. Dẫu vậy, vẫn còn đó những làng quê Hà Tĩnh, mỗi mùa mưa bão còn chịu cảnh ngập lụt, trẻ em và người lớn dắt díu nhau sơ tán hoặc bám lại trên chạn tránh lũ. Tôi mong rằng, một ngày nào đó, những miền quê trên đất nước này, mùa lụt chỉ còn trong ký ức...