Nơi đây trở nên huyền bí và kỳ vĩ bởi truyền thuyết hàng năm cá chép thi vượt thác để được hóa rồng mà dân gian đúc kết thành ca dao "Mồng bảy cá đi ăn thề/ Mồng tám cá về vượt thác Vũ Môn".
Theo người dân bản địa, nơi đây có con sông Đá Trắng bắt nguồn từ nước bạn Lào đổ về đến núi Giăng Màn (còn gọi là Khai Trướng) tạo thành thác Vũ Môn. Thác có độ cao hơn 1.280m so với mực nước biển, chiều cao của thác hơn 200m.
Thác Vũ Môn có 4 cấp nước, mỗi cấp nước có hình chài, độ cao các cấp nước chênh nhau tương đối lớn từ 25m – 86m, lòng thác rộng 27,5m, lượng nước nhiều quanh năm không khi nào cạn.
Tạo hóa khéo xếp đặt, ngay ở chân thác Vũ Môn những tảng đá lớn gối lên nhau, đặt ở các vị trí không đồng đều hình thành nên các hang hốc. Từ chân thác nước chảy về xuôi qua các khe đá, hốc đá tạo thành các vòng xoáy, vực nước tuyệt đẹp.
Tại đỉnh thác ngược về thượng nguồn hướng về phía bạn Lào là một nhánh của sông Đá Trắng, hai bên đồi thoải, tương đối bằng phẳng, diện tích mỗi bên khoảng 70ha chạy dọc theo chiều dài đến cột mốc giáp với nước bạn Lào.
Đứng từ bên này đồi nhìn sang, thác Vũ Môn tựa như một dải lụa mềm trắng vắt qua núi tuyệt đẹp và tiếng nước chảy ngân vang khắp một vùng. Ở đây không khí trong lành, nhiệt độ mát mẻ với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Thác Vũ Môn thực sự là điểm đến tiềm năng phát triển du lịch.
Để đến được thác Vũ Môn phải vượt đường rừng, trèo đèo lội suốt mất khoảng 8 giờ đi bộ
Cảnh sắc trên đường lên thác đẹp đến nao lòng
Đứng từ bên này đồi nhìn sang thác Vũ Môn tựa như dải lụa trắng vắt qua núi
Ngay dưới chân thác, các khối đá lớn tạo hóa xếp đặt tạo thành những địa thế đẹp
Một khúc suối trên đỉnh núi Giăng Màn, đỉnh núi có độ cao 1.425m so với mực nước biển
Trên đỉnh Giăng Màn