Cơ quan thống kê dữ liệu Eurostat của Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/7 công bố báo cáo cho biết giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro tăng 8,6% trong tháng 6. Mức tăng giá tiêu dùng tại khu vực này một tháng trước là 8,1%
Đây là mức tăng kỷ lục kể từ tháng 11/2021, một phần do giá năng lượng tăng vọt ở mức 41,9% trong một năm qua vì tác động từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine . Các chuyên gia cũng nhận định giá lương thực tăng, ở mức 8,9%, cho thấy lạm phát đang lan rộng trong khu vực đồng euro.
“Trong lịch sử, chúng tôi chưa bao giờ thấy con số cao như vậy về mức tăng giá lương thực. Điều này sẽ gây ra tác động lớn”, chuyên gia Philippe Waechter của Ostrum Asset Management, công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Pháp, nhận định.
Một người đi mua sắm tại siêu thị ở Biscarrosse, Pháp ngày 29/6. Ảnh: Reuters.
Một số chuyên gia cho biết dữ liệu lạm phát lõi tại khu vực đồng euro, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, ở mức 3,7% và giảm nhẹ so với tháng trước.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% trong trung hạn.
Chuyên gia kinh tế Pushpin Singh tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, đặt trụ sở tại bang Indiana của Mỹ, cảnh báo “lạm phát của khu vực đồng euro đang trở nên rộng hơn, triển vọng cho khu vực trong phần còn lại của năm 2022 tiếp tục ảm đạm”.
“Điều này diễn ra trong bối cảnh nguy cơ xảy ra khủng hoảng khí đốt nghiêm trọng tại châu Âu khi Nga sử dụng việc xuất khẩu mặt hàng này làm biện pháp chống lại các lệnh cấm vận”, chuyên gia Pushpin Singh nhận định.
Châu Âu lo ngại về khả năng Nga dừng cung cấp khí đốt cho EU, khiến khu vực có nguy cơ phải áp chính sách phân phối theo định mức trong mùa đông sắp tới. Một số quốc gia cân nhắc hoặc quyết định mở lại nhà máy nhiệt điện than để đối phó tình trạng thiếu hụt khí đốt. Trong khi đó, Moskva hôm 23/6 nói rằng Nga là nhà cung cấp đáng tin cậy cho châu Âu.