Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thay mặt Chính phủ đã có tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh lộ trình thay đổi cách tính lương hưu cho lao động nữ. Thế nhưng, chỉ còn 10 ngày nữa là quy định mới có hiệu lực và Quốc hội vẫn chưa có ý kiến về vấn đề này. Vậy phải chăng những người lao động nữ trong quá trình chuyển đổi chính sách này sẽ phải chấp nhận chịu thiệt?
Lấy của “người giàu” chia cho “người nghèo”
Cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ theo công thức: 15 năm đầu đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45%, mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tiếp theo được tính thêm 2% ( từ năm 2003-2017 là 3%) không phải là công thức mới. Thực tế công thức này được đã áp dụng từ năm 1995 đến hết năm 2002. Việc điều chỉnh của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã đưa công thức tính mức lương hưu này quay trở lại.
Các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh chính sách bao giờ cũng có một giai đoạn thể hiện sự chênh lệch rất bất bình đẳng. Nhưng chính sách khi điều chỉnh được áp dụng ngay lập tức mà không có lộ trình điều chỉnh giảm dần thì không thể tránh khỏi việc gây sốc cho người lao động.
Tại buổi tọa đàm Toạ đàm “Đóng và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội từ năm 2018 như thế nào?” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 22/12 tại Hà Nội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã “hiến kế” để hỗ trợ lao động nữ bị giảm lương hưu khi về hưu từ năm 2018.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nếu căn cứ theo tờ trình của Chính phủ thì phải chờ đến tháng 5/2019 Quốc hội họp mới cho ý kiến và thông qua nên cần phương án hỗ trợ cho lao động nữ ngay từ 1/1/2018.
Việc điều chỉnh tăng lương hưu hàng năm được áp dụng cho tất cả người lao động. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Theo báo cáo, có khoảng 21.000 người lao động nữ sẽ bị ảnh hưởng bởi cách tính lương hưu mới. Nhưng theo ông Bùi Sỹ Lợi, chỉ có 3.000 người chịu tác động từ 6-10%, còn lại chịu tác động 2-4% thì mức giảm này tương đương với lộ trình của nam giới. Vậy thì tổng số 3.000 người này có lớn không và có cần thiết phải sửa luật hay không?
“Quan điểm của tôi là không nên sửa luật. Nhưng tôi đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ điều chỉnh bằng cách khi điều chỉnh tăng lương hưu từ 1/1/2018 tăng lên 7% thì không nên tăng cho tất cả những người về hưu mà ưu tiên hỗ trợ cho nhóm đối tượng lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng, đặc biệt là 3.000 lao động nữ bị giảm 6-10% lương hưu có thể tăng 1-2%,” ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Chỉ ra rõ bất cập của việc điều chỉnh tăng lương hưu theo cơ chế “cào bằng” hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi dẫn chứng: “Người lao động có lương hưu 101 triệu đồng, 80 triệu đồng thì tăng 7% đã bằng 2 suất lương hưu bình quân của người về hưu. Nếu điều chỉnh tăng lương hưu năm 2018 thì chỉ nên tăng bằng trượt giá là khoảng 5%, còn lại 2-3% phải ưu tiên hỗ trợ cho các đối tượng khác.”
Đối với phương án này, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân cũng đồng tình và cho rằng có thể dùng quỹ để bù đắp chia sẻ cho người ở mức lương thấp hơn theo nguyên tắc chia sẻ của bảo hiểm xã hội. Trong số 3.000 người lao động bị giảm lương hưu 6-10% thì nhưng ai chỉ hưởng lương hưu ở mức dưới 1,3 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ lên 1,3 triệu đồng, còn đối với những ai bị ảnh hưởng bởi chính sách nhưng mức lương hưu cân nhắc không hỗ trợ “cào bằng” hết.
“Chúng ta quy định mức đóng bảo hiểm xã hội cao nhất là 20 lần mức lương cơ sở thì những người lương hưu cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì không nhất thiết chúng ta phải điều chỉnh tăng lương cho họ 7-8% như những người chỉ có 1,3 triệu đồng tiền lương hưu,” Thứ trưởng Lê Quân nói.
Như vậy, đối với việc thay đổi cách tính lương hưu cho nữ đã có 2 phương án là điều chỉnh theo lộ trình trong 5 năm như nam giới hoặc sử dụng hình thức tăng lương hưu hàng năm để hỗ trợ cho nhóm 3.000 người lao động bị ảnh hưởng nhiều.
Không thể hết bất bình đẳng
Không chỉ nhìn việc tính toán lương hưu qua tỷ lệ hưởng lương hưu, các chuyên gia còn khuyến cáo người lao động nên chú ý đến mức đóng bảo hiểm xã hội vì đây mới chính là mức lương bình quân quyết định việc người lao động hưởng lương cao hay thấp chứ không phải chỉ là việc tỷ lệ tăng giảm một vài phần trăm.
“Chúng ta không nên tiếp cận lương hưu chỉ dưới góc độ mất bao nhiêu %, mức lương cụ thể ra sao không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ mà còn tùy thuộc vào mức đóng bảo hiểm xã hội của từng cá nhân,” Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.
Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, từ năm 1993 đến nay, lương cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp đã tăng10,87 lần và lương tối thiểu vùng từ 2008 tới nay, vùng 1 tăng 4,5 lần, vùng 4 tăng 4 lần… cũng cho thấy mức đóng bảo hiểm xã hội, mức lương hưu cũng sẽ tăng theo.
Khi nói đến sự chênh lệch giữa lương hưu của nam và nữ, là người trực tiếp thực hiện các chính sách hưu trí đối với người lao động, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đưa ra một thực tế, dù là phương án nào đươc đưa ra để hỗ trợ lao động nữ thì theo nguyên tắc đóng hưởng cũng sẽ không bao giờ cân bằng được hoàn toàn.
“Vì giữa lao động nam và nữ có sự bất bình đẳng về tuổi lao động khác nhau nên chỉ bao giờ tiệm cận tuổi nghỉ hưu của nam nữ càng xích lại thì sự chênh lệch đó mới không còn,” ông Trần Đình Liệu thẳng thắn nói.
Ông Trần Định Liệu phân tích thêm, nguyên tắc đóng hưởng cua bảo hiểm xã hội là nguyên tắc cơ bản không thể làm khác. Quỹ Hưu trí là quỹ của tất cả người lao động nên tăng của người này là lấy của người kia theo nguyên tắc chia sẻ. Vì vậy, quan trọng nhất là phải tính toán sao cho bình đẳng về độ tuổi lao động.
Trước những bất cập, thách thức được đưa ra, Thứ trưởng Lê Quân khẳng định: “Chúng ta sẽ chuyển đổi dần dần, hiện nay có sự chênh lệch nhiều vì chúng ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề của tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ cách nhau 5 năm. Như vậy, rõ ràng người phụ nữ có đi làm đến 55 tuổi thì khả năng đạt 75% cũng rất khó khăn, đây là một trong những vấn đề mà đề án cải cách bảo hiểm xã hội đang được xây dựng sẽ giải quyết tổng thể bài toán này.”/.