Nhóm làm nghề mây tre đan ở xóm Đại Yên (Thạch Mỹ, Lộc Hà) thu hút nhiều người cao tuổi tham gia. Ảnh: Ông Phan Trọng Vinh, 63 tuổi (bên trái) và ông Ngô Xuân Niêm, 66 tuổi là thành viên của nhóm.
Tại chợ Hôm Trang (Thạch Kim, Lộc Hà), ai cũng biết cụ Nguyễn Thị Mến, 88 tuổi. Đó là “cụ bà hàng xén” đẹp lão với mái tóc bạch kim bóng mượt được vấn khéo léo và khuôn mặt hiền hậu. Dù gần 30 năm nay bước vào cái tuổi được xếp vào hội người cao tuổi, nhưng cụ vẫn đến chợ đều đặn tháng 30 ngày, trừ hôm ốm đau.
Cụ Mến cho biết: “Tôi có 9 người con 5 gái, 4 trai, hiện đã có 15 chắt. Các con đều thành đạt, yên bề gia thất. Dù tuổi cao nhưng ở nhà đi ra đi vào rồi lại nằm buồn lắm. Đi chợ thế này ngoài việc kiếm được chút ít để tự lo cuộc sống của mình, tôi còn được gặp gỡ trò chuyện với nhiều người nên vui hơn”.
Gian hàng xén tại chợ Hôm Trang (Thạch Kim, Lộc Hà) của cụ Mến
Được biết, nhà cụ Mến lại ở thôn Trung Nghĩa (Thạch Bằng, Lộc Hà) cách chợ Hôm khoảng 3km. Hằng ngày, buổi sáng cụ Mến được cháu trai chở ra chợ, buổi chiều lại đón về. Buổi trưa cụ ăn cơm và nghỉ ngơi tại ki-ốt của mình.
Cũng lấy việc bán hàng tạp hóa làm công việc lao động hàng ngày, cụ Trần Thị Hường (90 tuổi, thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Tôi bán hàng ở đây cũng mấy chục năm rồi. Ngày ít, ngày nhiều, trung bình cũng kiếm được vài ba chục nghìn đủ tiền rau cá cho hai mẹ con. Những hôm mưa gió không đi bán được thì buồn chân, buồn tay lắm”.
Cụ Trần Thị Hường, 90 tuổi ở Thôn Trung Thiên (Thiên Lộc, Can Lộc)
Được biết cụ Hường có 6 người con. Trong đó 5 người đã yên bề gia thất, còn có một người con gái tật nguyền gần 50 tuổi ở cùng mẹ.
Không muốn phụ thuộc nhiều vào con cháu, với gian hàng trong cái chòi nhỏ dựng trước cổng bưu điện xã Thiên Lộc, cụ Hường đã mưu sinh và nuôi người con gái tật nguyền suốt 30 năm qua.
Gian hàng nhỏ trước cổng bưu điện xã Thiên Lộc (Can Lộc) là nơi mưu sinh cưu mang hai mẹ con cụ Hường
Nhiều người cao tuổi Hà Tĩnh không chỉ tự chủ cuộc sống của mình mà còn góp công sức, trí tuệ vào các hoạt động, phong trào ở địa phương. Như cách mà cụ Phan Đa, 84 tuổi (Tổ dân phố 3, P.Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh) đứng ra làm tổ trưởng tổ tình nguyện trồng cây của người cao tuổi phường Đậu Liêu để trồng lại những cây đa làng, thực hiện ước mơ tìm lại nét đẹp xưa của làng mà thời tuổi trẻ cụ ấp ủ.
Ông Nguyễn Thế Niêm, 72 tuổi (Khánh Lộc, Can Lộc) chọn nghề làm vườn sau khi về hưu
Dù đã về hưu nhiều năm nhưng đối với ông Nguyễn Trung Trực (72 tuổi) - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Tân Khê, xã Kỳ Giang (Kỳ Anh), ông Lê Văn Thành, 70 tuổi – Chủ tịch Hội CCB xã Yên Hồ (Đức Thọ), ông Nguyễn Thế Niêm, 73 tuổi, xã Khánh Lộc (Can Lộc)… thì việc tham gia công tác xã hội cùng chính quyền và nhân dân xây dựng NTM chính là cơ hội để họ được cống hiến nhiều hơn.
Các thành viên trong tổ tình nguyện trồng cây của Hội người cao tuổi phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh)
Sau nhiều năm tuổi trẻ lao động cống hiến cho gia đình và đất nước, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh vẫn không dừng lại khi đã đến tuổi nghỉ ngơi. Dù làm công việc gì họ vẫn luôn tâm niệm: lao động là nguồn vui sống tích cực và chỉ dừng lại khi nào không thể.