Lấy người dân làm trung tâm trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật

(Baohatinh.vn) - Trong bất cứ bối cảnh lịch sử nào, các cơ quan tư pháp Hà Tĩnh luôn xác định người dân là trung tâm trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Qua đó, phát huy tốt vai trò cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Các cơ quan tư pháp vào cuộc mạnh mẽ

30 năm trước, tỉnh Hà Tĩnh chính thức tái lập với bao gian khó: đời sống KT-XH khó khăn; trình độ dân trí, điều kiện học tập để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân còn hạn chế; tệ nạn xã hội tiềm ẩn, diễn biến phức tạp…

Từ thực tế đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm ngăn ngừa, phòng chống tội phạm; tạo hành lang pháp lý vững chắc; góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Sở Tư pháp Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác phối hợp tuyên truyền PBGDPL năm 2020 và ký kết chương trình phối hợp năm 2021. Ảnh tư liệu

Cùng với quá trình lớn mạnh của tỉnh nhà, công tác uyên truyền PBGDPL được các cơ quan tư pháp tích cực đổi mới, đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn. Đặc biệt, năm 2010, cùng với sự ra đời của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, công tác PBGDPL ngày càng chứng minh vai trò không thể thiếu trong đời sống xã hội.

Trong đó, Sở Tư pháp là cơ quan thường trực; Viện Kiểm sát nhân dân (KSND), Tòa án nhân dân, Công an tỉnh… tham gia với tư cách ủy viên. “Tôn chỉ” của hội đồng nhằm phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong PBGDPL; tăng cường công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả PBGDPL...

Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác PBGDPL cho gần 150 đại biểu là cán bộ thực hiện công tác pháp chế tại các sở, ngành; báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. (Ảnh tư liệu).

Công tác PBGDPL đã được Sở Tư pháp triển khai bài bản, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. Từ năm 2018 đến nay, toàn ngành tư pháp tổ chức 14.365 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp với hơn 1,7 triệu người tham gia; cấp phát hơn 1,5 triệu tài liệu, tờ gấp, tờ rơi; xây dựng và đăng tải 23.190 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Ngoài hình thức tuyên truyền truyền thống, công tác PBGDPL đổi mới mạnh mẽ qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông nhằm tạo sức lan tỏa lớn qua mạng xã hội Facebook, Zalo và hệ thống báo chí, truyền hình…

Các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, viện KSND… phối hợp chặt chẽ, từ đó triển khai hiệu quả nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, viện KSND, tòa án nhân dân… tập trung xử lý vụ việc trọng điểm; thông qua công tác điều tra, truy tố, xét xử để tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm.

Trong các phiên tòa, thẩm phán và hội thẩm nhân dân đã phân tích, viện dẫn các quy định tương ứng với tính chất từng vụ án nhằm giáo dục bị cáo và nâng cao nhận thức cho người tham gia. Đối với hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết án hình sự, viện KSND 2 cấp chú trọng phát hiện, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm để ban hành kiến nghị, đề ra giải pháp phòng ngừa.

Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật của người dân là cách phát huy "tai mắt" ngay từ cơ sở; góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương. (Ảnh tư liệu).

Lực lượng công an tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng về các văn bản hiện hành; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp.

Từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã tổ chức 16 hội nghị phổ biến, quán triệt và tập huấn chuyên sâu nội dung các bộ luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an; trên 600 cuộc tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp cho hơn 120 ngàn lượt người.

Nhận thức pháp luật của người dân được nâng cao

Hòa giải thành góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, góp phần ổn định tình hình ANTT tại địa phương.

Theo thống kê của ngành tòa án, trong 3 năm (từ 2018 đến nay), tỷ lệ hòa giải thành luôn ở mức cao (từ 75 - 83%). Sau khi được tòa phân tích, giải thích các quy định của pháp luật, nhiều đương sự, người khởi kiện đã tự nguyện rút đơn. Qua đó, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, góp phần ổn định tình hình ANTT tại địa phương.

Cũng trong thời gian nói trên, số vụ phạm pháp hình sự tại Hà Tĩnh ngày càng có chiều hướng giảm, từ 482 vụ (năm 2018) xuống 419 vụ (năm 2020), 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 211 vụ. Kết quả đó đã cho thấy tín hiệu đáng mừng từ công tác PBGDPL, nhờ vậy, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên rõ rệt.

Hệ thống camera an ninh góp phần phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở.

Tính đến năm 2020, trên địa bàn Hà Tĩnh có 100% xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Nhiều năm qua, mô hình tổ liên gia tự quản về ANTT tại xã Thạch Lạc (Thạch Hà) đã phát huy tính hiệu quả. Nhờ đó, tình hình tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội giảm hẳn, những mâu thuẫn, bất hòa trong Nhân dân đều được hòa giải ngay từ cơ sở.

Còn tại xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn) - địa phương vùng biên giới của Hà Tĩnh, tình hình ANTT trên địa bàn luôn được đảm bảo ổn định. 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn chỉ xảy ra 4 vụ vi phạm pháp luật. Đáng mừng hơn cả, bà con ngày càng quan tâm tới các lĩnh vực pháp luật; thể hiện rõ nhất là việc lắng nghe các nội dung được phát qua loa truyền thanh tại các khung giờ cố định trong ngày.

Sau thời gian sinh hoạt tại Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh), không ít hội viên đã phát huy những kiến thức pháp luật được trang bị, trở thành “mắt xích” tuyên truyền hiệu quả. (Ảnh tư liệu).

Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng cho biết: “Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục gắn công tác PBGDPL với việc tuyên truyền nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Kiện toàn và phát huy vai trò tư vấn của hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong tham mưu, chỉ đạo, định hướng. Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL trên tinh thần đảm bảo bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể.

Thực hiện hiệu quả các đề án PBGDPL đang thực hiện trong năm 2021, hướng mạnh PBGDPL về cơ sở. Tiến hành kiểm tra, tổng kết công tác PBGDPL, kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, nhân rộng các mô hình PBGDPL có hiệu quả”.

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói