Dân số thế giới dự kiến sẽ đạt 11 tỷ người vào cuối thế kỷ 21. (Ảnh minh họa: AFP)
Đây là con số được đưa ra trong báo cáo có tiêu đề “Triển vọng dân số Thế giới” do Ủy ban các vấn đề Kinh tế - Xã hội Liên Hợp quốc (UNDESA) công bố ngày 17/6. Các nhà thống kê và nhân khẩu học thuộc UNDESA cũng dự báo dân số thế giới có thể đạt ngưỡng 11 tỷ người vào năm 2100.
Báo cáo đã cung cấp một đánh giá toàn diện về xu hướng nhân khẩu học toàn cầu và triển vọng cho tương lai. Theo đó, đến năm 2050, hơn 50% tốc độ gia tăng dân số thế giới sẽ tập trung tại 9 quốc gia, gồm: Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ.
Trong khi đó, quốc gia đông dân nhất thế giới - Trung Quốc sẽ chứng kiến dân số giảm 2,2%, tương đương khoảng 31,4 triệu người, từ năm 2019 đến 2050. Dân số của 27 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ cũng sẽ giảm ít nhất 1% kể từ năm 2010 do mức sinh thấp.
Báo cáo cho biết, ở các quốc gia như Belarus, Estonia, Đức, Hungary, Italy, Nhật Bản, Nga, Serbia và Ukraine, mức chết đang lớn hơn mức sinh, tuy nhiên tình trạng suy giảm dân số sẽ được bù đắp bởi những dòng người di cư.
Tỷ lệ sinh sản chung toàn cầu đã giảm từ 3,2 con/phụ nữ vào năm 1990 xuống còn 2,5 con/phụ nữ vào năm 2019 và dự kiến sẽ còn giảm xuống mức 2,2 con/phụ nữ vào năm 2050. Con số này đã gần sát với tỷ lệ sinh 2,1 con/phụ nữ cần thiết để đảm bảo sự thay thế giữa các thế hệ và tránh sự suy giảm dân số dài hạn trong trường hợp không có người di cư, theo Liên Hợp quốc.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, vấn đề giảm tỷ lệ sinh không chỉ kìm hãm tốc độ gia tăng dân số mà còn khiến dân số già hóa. Cũng theo báo cáo, trên toàn cầu, tuổi thọ trung bình tăng từ mức hiện tại 72,6 tuổi lên 77,1 tuổi vào năm 2050. Năm 1990, tuổi thọ trung bình là 64,2 tuổi.