Loài cây được ví như hóa thạch sống

Cây bách lan (Welwitschia mirabilis) là loài cây có tuổi thọ nghìn năm và cấu tạo đặc biệt để sống sót trong điều kiện khô hạn khắc nghiệt nhất.

Cây bách lan có hình dáng giống bạch tuộc. Ảnh: Petr Kosina

Cây bách lan là cây bụi thân gỗ thấp lùn (thường cao chưa đến một mét) và được xem như một trong những loài cây xấu xí nhất thế giới. Nó chỉ có hai lá, một gốc thân, một rễ cái và cơ quan sinh sản hình nón. Dù cấu tạo có vẻ đơn giản, cây bách lan rất nổi bật bởi hai chiếc lá lớn vươn dài trong suốt vòng đời của cây. Phần thân gỗ của nó lớn dần theo độ tuổi, có dạng đĩa hình lòng chảo đường kính tới một mét. Từ đó, những nhánh nhỏ đâm ra, mang nón chứa phấn và hạt, theo ZME Science .

Là loài đặc hữu trên sa mạc Namib ở Nam Phi, cây bách lan có thể chịu điều kiện khô cằn khắc nghiệt trong khu vực có lượng mưa trung bình 100 mm/năm và thậm chí nhiều năm không có lấy một giọt mưa. Một cá thể cây có thể sống sót hàng thế kỷ. Xác định niên đại bằng đồng vị carbon-14 cho thấy vài mẫu vật hơn 1.000 năm tuổi. Trong đó, cây bách lan già nhất còn tồn tại khoảng 2.000 năm tuổi. Vì vậy, nó có biệt danh là “hóa thạch sống”.

Cây bách lan được đặt tên theo nhà thực vật học người Áo Friedrich Welwitsch. Welwitsch lần đầu tiên mô tả loài cây vào năm 1859. Giới nghiên cứu mất một thời gian để tìm hiểu về nó. Theo hệ thống phân loại gần đây nhất, cây bách lan là thành viên duy nhất trong họ Welwitschiaceae.

Năm 2021, các nhà nghiên cứu giải trình tự hệ gene của cây bách lan. Họ tìm thấy bằng chứng về quá trình sao chép toàn bộ hệ gene trước khi tái tổ hợp. Điều đó có nghĩa cây bách lan từng chịu áp lực lớn ở một số thời điểm, trong đó có thời kỳ khô hạn cách đây 86 triệu năm, khi khủng long vẫn còn tồn tại. Đây là minh chứng cho sức sống bền bỉ của loài cây này.

Bí quyết sinh tồn của cây bách lan nằm ở cặp lá kỳ lạ. Phiến lá nguyên vẹn lớn nhất rộng 179 cm và mẫu vật dài nhất có kích thước 6 m, trong đó 3,15 m vẫn là mô sống. Đôi khi trong ảnh, gốc cây trông như có nhiều hơn 2 lá, nhưng đó là do lá bị rách và xoắn lại. Thời gian dài chịu nắng mưa khiến phiến lá tách thành nhiều mảnh, dẫn tới hình dáng giống bạch tuộc của cây.

Nhờ phần lá rộng dày che phủ mặt đất xung quanh, cây bách lan có thể giữ mặt đất mát mẻ và ẩm ướt hơn, nhờ đó nó có thể tồn tại dưới nhiệt độ cực hạn. Do sống trong môi trường khô cằn, cây hút nước dưới dạng sương. Lá cây có thể hấp thụ hơi ẩm từ sương mù. Lỗ khí bên dưới lá mở ra trong điều kiện sương mù và đóng lại khi trời nóng. Chiến thuật thích nghi trên cho phép cây giữ nước dưới hơi nóng ban ngày. Ngoài ra, phiến lá cứng chắc và bất động được sắp xếp để lưu trữ nước hiệu quả.

Kết hợp với lá để giữ ẩm cho cây là phần rễ cái mọc dài để tìm nước ngầm. Mạng lưới rễ rậm rạp gần mặt đất vươn rộng trong đường kính 30 m. Với cấu tạo tối giản và không bị ảnh hưởng bởi khí hậu sa mạc, cây bách lan dường như bất tử. Tuy nhiên, gần đây giới nghiên cứu phát hiện một loài nấm lây nhiễm sang nõn cái và hạt làm giảm khả năng tồn tại của hạt cây.

Ngoài ra, nó cũng bị đe dọa bởi phương tiện chạy qua, nạn săn trộm, động vật gặm cỏ như ngựa vằn, tê giác và vật nuôi. Cây bách lan được bảo vệ trong hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn công cộng ở Namibia and Angola. Hiện nay, quần thể cây vẫn dồi dào và phát triển mạnh.

Theo An Khang (VNE)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói