Huyện Lộc Hà cùng Sở TN&MT tỉnh làm việc trực tiếp với bí thư, chủ tịch UBND, cán bộ địa chính của 12 xã, thị trấn về vấn đề tồn đọng đất đai.
Theo thông tin từ Phòng TN&MT huyện Lộc Hà, qua rà soát, toàn huyện còn gần 4.000 trường hợp tồn đọng về đất đai. Trong đó, có gần 2.100 trường hợp chưa được cấp, đổi GCNQSDĐ, 223 trường hợp cấp GCNQSDĐ lần đầu, gần 1.500 trường hợp cấp đất nông nghiệp, 177 trường hợp cấp đất trái thẩm quyền.
Trong thời gian qua, UBND huyện Lộc Hà đã chỉ đạo các xã tập trung rà soát và thực hiện các bước theo thẩm quyền để trình huyện cấp GCNQSDĐ cho người dân, như: giao các địa phương thành lập các tổ rà soát từng thôn, nắm bắt thông tin để báo cáo lại với huyện nhằm giám sát và chỉ đạo đến từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, Phòng TN&MT huyện Lộc Hà cũng đã hướng dẫn, trao đổi trực tiếp với người dân, làm rõ trách nhiệm từng cấp trước khi hoàn thiện hồ sơ trình huyện.
Tiến độ cấp GCNQSDĐ cho đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đến đầu năm 2020 diễn ra chậm
“Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc, trao đổi, từ năm 2019 đến đầu năm 2020, việc giải quyết các tồn đọng về đất đai vẫn “dẫm chân tại chỗ”, tỉ lệ hồ sơ xử lý đạt thấp, gây khó khăn cho việc hoàn thành cấp GCNQSDĐ.
Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: nguồn gốc đất, hồ sơ địa chính phức tạp, thông tin từ người dân thiếu cơ sở pháp lý...
Công tác đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ chưa được gắn liền với công tác cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai nên hồ sơ không thống nhất…” - ông Phan Tiến Dũng, Trưởng phòng TN&MT huyện Lộc Hà cho biết.
Vấn đề cấp GCNQSDĐ tại xã Thịnh Lộc được người dân phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các buổi đối thoại trực tiếp. Trong ảnh: Hội nghị đối thoại của đồng chí Bí thư Huyện uỷ với bí thư các chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn 10/2019.
Thịnh Lộc là một trong những địa phương có số lượng lớn hồ sơ tồn đọng về đất đai của huyện Lộc Hà. Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc Trần Văn Nghĩa cho biết: “Hiện nay, xã còn đến 786 trường hợp, đặc biệt có 21 ha đất nông nghiệp của thôn Quang Trung, Yên Điềm chưa được cấp GCNQSDĐ. Khó khăn lớn nhất trong xử lý vấn đề này là các giấy tờ liên quan của người dân gần như không có, do quá trình thay đổi của lịch sử; căn cứ để đo đạc lại theo bản đồ đã quá cũ (xã Thịnh Lộc đang căn cứ theo bản đồ 299 lập năm 1980 – PV); diện tích đất sử dụng hiện trạng so với bản đồ và giấy tờ chênh lệch lớn”.
Bí thư, chủ tịch UBND, cán bộ địa chính của 12 xã, thị trấn trao đổi về các tồn đọng đất đai tại buổi làm việc vào ngày 23/5 vừa qua.
Trước thực tế này, vào ngày 23/5, huyện Lộc Hà cùng Sở TN&MT tỉnh đã có buổi làm việc trực tiếp với bí thư, chủ tịch UBND, cán bộ địa chính của 12 xã, thị trấn để nắm bắt lại các vướng mắc, khó khăn nhằm xây dựng các hướng giải quyết phù hợp.
Ông Phan Tiến Dũng - Trưởng phòng TN&MT huyện Lộc Hà thông tin: “Tại buổi làm việc, các xã, thị trấn cho rằng, cần phải chấm dứt thủ tục liên quan với các đơn vị tư vấn cũ (vì tiến độ quá chậm, một số hiện nay không liên lạc được – PV) để thuê đơn vị tư vấn mới có đủ điều kiện về con người, chuyên môn nhằm giải quyết cho người dân.
Sau khi thảo luận, các địa phương đều thống nhất đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) Hà Tĩnh (Sở TN&MT) ký hợp đồng hỗ trợ, tư vấn. Phòng TN&MT huyện đã làm việc với Văn phòng ĐKĐĐ Hà Tĩnh về các thủ tục liên quan để các xã, thị trấn có thể tiến hành ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị này".
Các xã, thị trấn làm việc trực tiếp với Văn phòng ĐKĐĐ Hà Tĩnh để thống nhất phương án ký kết hợp đồng hỗ trợ, tư vấn. Trong ảnh: Xã Thạch Châu làm việc với Văn phòng ĐKĐĐ Hà Tĩnh.
Ông Văn Thành Đô - Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà cho biết: “Văn phòng ĐKĐĐ Hà Tĩnh cùng UBND thị trấn Lộc Hà đã ký hợp đồng nguyên tắc nhằm phối hợp trong xử lý các tồn đọng về đất đai. Văn phòng ĐKĐĐ Hà Tĩnh, Phòng TN&MT huyện, UBND thị trấn sẽ làm việc với người dân có vướng mắc để nắm bắt lại tình hình; tư vấn cụ thể thủ tục liên quan, phân loại hệ thống hồ sơ và đi đến thống nhất với người dân. Sau đó, tiến hành hỗ trợ đo đạc, hoàn thiện lại hồ sơ và cấp GCNQSDĐ theo đúng quy trình”.
Cùng với đó, thời điểm này, huyện Lộc Hà, các địa phương đang tập trung rà soát lại quỹ đất sản xuất muối tại 3 xã Mai Phụ, Hộ Độ, Thạch Châu và xác định các đối tượng đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ nhằm có hướng giải quyết phù hợp.
Huyện Lộc Hà đang rà soát lại quỹ đất sản xuất muối tại 3 xã Mai Phụ, Hộ Độ, Thạch Châu. Ảnh Nam Giang
Ông Lê Quang Huệ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: “Xác định đây là nội dung trọng tâm cần giải quyết nên huyện đã liên tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn hoàn thành công tác rà soát tồn đọng, tổ chức đối thoại trực tiếp tại thôn để người dân nắm rõ quy trình.
Đồng thời, trong thời gian tới, với sự tham gia hỗ trợ từ đơn vị tư vấn là Văn phòng ĐKĐĐ Hà Tĩnh, huyện cùng các địa phương phân loại, tiến hành xử lý từng trường hợp, phấn đấu trong năm nay hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ hoặc khép được hồ sơ thủ tục để tạo căn cứ rõ ràng cho quá trình xử lý, bổ sung sau này”.