Lộc Hà: Trâu, bò vẫn thả rông dù bệnh viêm da nổi cục diễn biến phức tạp

(Baohatinh.vn) - Nhiều hộ chăn nuôi ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) vẫn duy trì thói quen thả rông trâu, bò dù dịch bệnh viêm da nổi cục đang diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa.

1 - Copy.jpg
Bất chấp nguy cơ dịch bệnh lây lan, những đàn bò vẫn được thả rông ở khu vực giáp giữa xã Mai Phụ với Thạch Mỹ và Hộ Độ.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh viêm da nổi cục lây lan, khó kiểm soát là gia súc khỏe mạnh tiếp xúc (cả trực tiếp và gián tiếp) với con bị nhiễm bệnh. Thế nhưng hiện nay, tình trạng thả rông trâu, bò trên các cánh đồng, gò đồi, bờ đê... vẫn diễn ra khá phổ biến ở Lộc Hà, trong đó có cả những địa phương đang có dịch.

Hiện, xã Mai Phụ đang có 2 ổ dịch với 2 con bò bị nhiễm bệnh. Việc khoanh vùng, triển khai các biện pháp ngăn chặn đang được xã và các địa phương lân cận gấp rút triển khai, trong đó có thông tin, tuyên truyền, nhắc nhở người chăn nuôi không thả rông trâu, bò. Thế nhưng, trên địa bàn xã vẫn đang có nhiều đàn trâu, bò được thả tự do trên các trục đường, cánh đồng hoang.

DSC_2113 - Copy.JPG
Dịch bệnh nguy hiểm đã "sát sườn" nhưng người dân thôn Tân Thành (xã Tân Lộc) vẫn duy trì thói quen chăn thả bò tự do.

Đặc biệt nhiều và thường xuyên là khu vực giáp ranh giữa xã Mai Phụ với xã Thạch Mỹ và xã Hộ Độ. Bất chấp dịch bệnh đang có xu hướng lây lan mạnh, nguy cơ bùng phát ra diện rộng cao, phải khoanh vùng để dập nhưng nhiều hộ chăn nuôi ở khu vực giáp ranh này vẫn chủ quan, lơ là. Vào mọi thời điểm trong ngày, ở vùng này luôn có 5 – 7 đàn trâu, bò, mỗi đàn 4 – 8 con được thả rông, không có người chăn dắt, kiểm soát.

Thôn Tân Thành (xã Tân Lộc) là nơi chăn nuôi trâu, bò nhiều nhất huyện Lộc Hà với tổng đàn hiện nay khoảng 450 con. Vì mật độ nuôi dày, đàn đại gia súc có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sinh kế, thu nhập, tài sản của người dân nơi đây nên công tác phòng dịch cần phải được ưu tiên thực hiện tốt.

Thế nhưng, khi dịch bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện ở xã lân cận là Phù Lưu và Hồng Lộc (có dấu hiệu xuất hiện ổ dịch mới, đang chờ kết quả xét nghiệm), người dân ở đây vẫn không lo lắng, thiếu ý thức cảnh giác, tiếp tục duy trì thói quen chăn thả tự do theo phương thức sáng lùa gia súc ra đồng, chiều lại lùa về chuồng.

DSC_3294 - Copy.JPG
Hình ảnh quen thuộc trên các cánh đồng, trục đường làng ở thôn Tân Thành (xã Tân Lộc)

Chị N.T.L. ở thôn Tân Thành (Tân Lộc) lý giải: “Chúng tôi có nghe loa phát thanh của xã nhắc nhở về dịch bệnh nguy hiểm và cần triển khai các biện pháp phòng ngừa, nhất là không nên chăn thả trâu, bò tự do để tránh lây lan. Nhưng vì chăn nuôi nhiều (6 con) nên nhốt ở nhà không kiếm đủ thức ăn hàng ngày cho chúng, bị áp lực về môi trường chuồng trại, trâu, bò quậy phá vì không quen bị nhốt... nên đành phải mạo hiểm chăn thả tự do”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lộc Hà 9 con bò bị nhiễm bệnh ở các xã Thạch Châu, Mai Phụ, Phù Lưu và Hồng Lộc (có dấu hiệu xuất hiện ổ dịch, đang chờ kết quả xét nghiệm), trong đó có 2 con đã bị chết. Dù dịch bệnh đang có xu hướng phức tạp, nguy hiểm nhưng hiện nay hầu như tất cả các xã, thị trấn ở Lộc Hà (ngoại trừ Thạch Kim) đều đang xuất hiện tình trạng trâu, bò chăn thả tự do.

DSC_3097 - Copy.JPG
Những con bò của các hộ chăn nuôi ở TDP Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà) hàng ngày đi lại khắp nơi nên rất dễ bị nhiễm bệnh.

Việc chăn thả trâu, bò tự do không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của đàn vật nuôi, tài sản của người nông dân mà còn gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh, khiến nguy cơ lây lan cao.

Vì vậy, người dân cần phải nâng cao ý thức phòng ngừa bằng cách tạm nhốt trâu, bò để hạn chế tiếp xúc giữa các đàn gia súc, nhất là trong vùng dịch bệnh; các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng cần tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người chăn nuôi chuẩn bị đủ thức ăn, chuồng trại để hạn chế thả rông đàn gia súc.

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.