Lực lượng Hải quân Triều Tiên có gì đặc biệt

Phần lớn nguồn lực quốc phòng Triều Tiên dành cho phát triển tên lửa, do đó sức mạnh hải quân tương đối hạn chế nhưng không vì thể mà bị xem thường.

Theo National Interest, lực lượng hải quân Triều Tiên, tên đầy đủ là Hải quân Nhân dân Triều Tiên, là lực lượng có quy mô nhỏ nhất so với lục quân và không quân Triều Tiên, bao gồm bộ tư lệnh hải quân, 2 bộ tư lệnh hạm đội, 16 hải đội cùng các đơn vị bắn tỉa và phòng thủ bờ biển.

Đội danh dự Hải quân nhân dân Triều Tiên trong buổi lễ duyệt binh. (Ảnh: AP)

Ngoài ra, hải quân Triều Tiên còn có các cơ sở huấn luyện, quân cảng, các trung tâm hậu cần và nhà máy đóng tàu.

Cơ cấu

Hải quân Triều Tiên có quân số khoảng 60.000 người, trong đó chủ yếu là lính nghĩa vụ phục vụ từ 5 đến 10 năm. Trong biên chế của lực lượng này có khoảng từ 810 đến 990 tàu chiến các loại có xuất xứ từ Liên Xô, Trung Quốc và tự đóng trong nước.

Năm 2001, nhà phân tích Bermudez ước tính, có 360 tàu thuộc biên chế Hạm đội phía Tây hoạt động trong biển Hoàng Hải và 480 tàu thuộc biên chế Hạm đội phía Đông hoạt động trong khu vực biển Nhật Bản.

Phần lớn các tàu của hải quân Triều Tiên đều có tuổi nhưng vẫn hoạt động tốt. Với đặc điểm địa lý của Triều Tiên và tầm hoạt động ngắn của các tàu chiến Triều Tiên, hải quân nước này hiếm khi luân chuyển tàu từ hạm đội này sang hạm đội khác.

Ngoài đội tàu của mình, hải quân Triều Tiên còn có một lượng đáng kể pháo bờ biển được bố trí ở cả hai bờ biển của nước này, phần lớn là pháo 76 mm.

Tuy nhiên, một hình ảnh năm 2017 cho thấy, Triều Tiên có một số xe bánh xích chở theo ống phóng được cho là chứa tên lửa chống hạm Kumsong-3, dựa trên nguyên mẫu tên lửa chống hạm Kh-35 của Liên Xô.

Tàu pháo

Theo National Interest, đa số chiến hạm trong hải quân Triều Tiên là tàu pháo với khoảng 80% trong số này có lượng giãn nước dưới 200 tấn.

Tháp pháo xe tăng trên tàu pháo của Triều Tiên.

Phần lớn những tàu pháo này được lắp súng máy hạng nặng và pháo hạng nhẹ với pháo lớn nhất có cỡ nòng 85 mm từ những tháp pháo của xe tăng T-35-85 được tận dụng lại.

Một số tàu pháo khác được trang bị dàn pháo phản lực 122 mm, chủ yếu hỗ trợ đổ bộ do độ chính xác của loại pháo này thấp nên khó có thể dùng tấn công tàu đối phương. Một số tàu pháo khác lại được trang bị ống phóng ngư lôi.

Những chiếc tàu pháo này xuất hiện khá thường xuyên và thậm chí còn tham gia vào một số trận giao tranh giữa hải quân Triều Tiên và hải quân Hàn Quốc.

Do hải quân Hàn Quốc chiếm ưu thế hoàn toàn về hỏa lực so với những chiếc tàu pháo nhỏ bé của hải quân Triều Tiên này nên thường hải quân Triều Tiên chịu nhiều thiệt hại hơn. Trong những năm gần đây, hải quân Triều Tiên hiếm khi chủ động đối đầu với hải quân Hàn Quốc như trước.

Tàu ngầm

Một bộ phận chủ lực khác của hải quân Triều Tiên là hạm đội tàu ngầm. Trong một báo cáo năm 2015, Lầu Năm Góc cho rằng hải quân Triều Tiên có khoảng 70 tàu ngầm thuộc các lớp tàu khác nhau đang hoạt động.

Năm 2010 xảy ra sự kiện tàu Cheonan của hải quân Hàn Quốc bị đánh chìm bởi một tàu ngầm cỡ nhỏ của Triều Tiên, khi đó một báo cáo cho rằng Triều Tiên đang sở hữu 20 tàu ngầm lớp Romeo, 40 tàu ngầm ven biển Sang-o, 10 tàu ngầm cỡ nhỏ lớp Yono.

Chiếc tàu ngầm lớp Sang-o bị mắc cạn trong vùng nước của Hàn Quốc năm 1996. (Ảnh: Idobi)

Một số tàu ngầm thuộc lớp Sang-o được cho là thiết kế đặc biệt để hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên thực hiện các nhiệm vụ bí mật, số còn lại thực hiện nhiệm vụ phòng thủ bờ biển và thậm chí tấn công trực diện hải quân Hàn Quốc khi cần.

Lớp tàu ngầm quan trọng nhất của hải quân Triều Tiên là lớp tàu Sinpo, còn gọi là Gorae hay Pongda, đây là lớp tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo của do Triều Tiên sự sản xuất. Hình ảnh đầu tiên của lớp tàu ngầm này được vệ tinh chụp lại vào năm 2014.

Con tàu này được ước tính có chiều dài 65 m với tải trọng tối đa 1.650 tấn, với thủy thủ đoàn khoảng từ 70 đến 80 người.

Tàu ngầm lớp này được trang bị một ống phóng có thể phóng tên lửa đạn đạo Pukguksong-1 (KN-11) với tầm bắn từ 965 km đến 1445 km và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Các loại tàu chiến khác

Triều Tiên còn có lực lượng tàu đổ bộ nhỏ với 2 lữ đoàn bắn tỉa của hải quân mang số hiệu 29 và 291 với khoảng 100 tàu đổ bộ lớp Nampo với tốc độ lên đến 40 hải lý/giờ (khoảng 75km/h) dựa trên nguyên mẫu tàu phóng lôi P-6 của Liên Xô.

Tàu đổ bộ đệm khí lớp Kongbang tham gia diễn tập tại một địa điểm không xác định. (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra hải quân Triều Tiên còn sở hữu khoảng 130 tàu đệm khí lớp Kongbang.

Trong những năm gần đây, hải quân Triều Tiên có thêm một số tàu chiến mới. Năm 2014, vệ tinh phát hiện hai tàu hộ vệ chở trực thăng lớp Nampo, lớp tàu lớn nhất mà Triều Tiên chế tạo trong khoảng 25 năm trở lại đây.

Một chuyên gia cho rằng lớp tàu Nampo này được trang bị pháo 76 mm và 8 tên lửa chống hạm Kumsong-3.

Bên cạnh các tàu hộ vệ cỡ nhỏ, Triều Tiên còn đóng một số lượng tàu tàu hai thân tốc độ cao với tải trọng khoảng 200 tấn, Mỹ đặt tên cho lớp tàu này là Nongo cả cho phiên bản tàng hình lẫn không tàng hình. Cả hai phiên bản này đều được trang bị tên lửa chống hạm Kumsong-3 và pháo 76 mm.

Bên cạnh đó, Triều Tiên còn thiết kế và đóng ít nhất 5 loại tàu có thân siêu mỏng với thiết kế như lưỡi dao để có thể “cắt” vào mặt nước khi di chuyển với tốc độ cao./.

Theo Nguyễn Tiến/VTC News

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói