Bản hùng ca nơi cửa biển...

(Baohatinh.vn) - Trong niềm rưng rưng xúc động những ngày tháng 4, tôi có dịp gặp lại Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Đình Ghí (thôn Tân Thắng, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chiến sỹ phá bom kiên cường gần 50 năm tuổi Đảng. Nồng hậu đón tiếp chúng tôi, ông say sưa kể về “một thời hoa lửa” không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc.

Bản hùng ca nơi cửa biển...

Bản hùng ca nơi cửa biển...

Trong niềm rưng rưng xúc động những ngày tháng 4, tôi có dịp gặp lại Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Đình Ghí (thôn Tân Thắng, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh), chiến sỹ phá bom kiên cường gần 50 năm tuổi Đảng. Nồng hậu đón tiếp chúng tôi, ông say sưa kể về “một thời hoa lửa” không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc.

Di chứng trong những lần phá bom khiến đôi tai của ông Ghí không còn tinh tường, thi thoảng câu chuyện giữa hai thế hệ chúng tôi phải ngắt quãng bằng những câu hỏi thật to: “Ông có nghe cháu nói rõ không?” hay như câu chuyện lại chệch hướng rẽ vì ông nghe nhầm câu hỏi. Một cảm giác đáng yêu, gần gũi mà vẫn hào sảng khí phách người anh hùng.

Năm 1967, giặc Mỹ leo thang chống phá ác liệt miền Bắc, Hà Tĩnh là “cuống họng” vận chuyển lương thực, đạn dược cho hai đầu tiền tuyến. Mảnh đất nghèo Kỳ Anh oằn mình hứng chịu hàng loạt “mưa bom” của quân thù nhằm cắt đứt mạch máu quan trọng của quân đội Việt Nam.

Bản hùng ca nơi cửa biển...

Ông Đặng Đình Ghí sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã miền biển, cha mất sớm từ lúc mới lọt lòng. 20 tuổi, ông đã được giao “lĩnh ấn” chỉ huy lực lượng dân quân xã với nhiệm vụ xung kích trên mặt trận vận chuyển. Những năm 1967, ông đã cùng anh chị em dân quân xã nhận nhiệm vụ chuyển hàng từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình bằng thuyền. Mặc cho máy bay địch thường xuyên bắn phá dọc dòng sông, ném nhiều loại bom hòng ngăn cản sự đi lại của ta, ông Ghí đã cùng tập thể thực hiện được 9 chuyến hàng tới đích an toàn. Ông kể: “Có lần tui cùng các đồng chí nhận nhiệm vụ vận chuyển gạo vào Quảng Bình, thuyền đang di chuyển gần giữa lòng sông thì máy bay địch phát hiện, chúng ráo riết đuổi theo bắn thủng thuyền. Nước tràn vào, tui nhanh chóng lấy áo đang mặc trên người nhét vào lỗ thủng mạn thuyền, thuyền vừa di chuyển, vừa tát nước ra đến tận điểm tập kết, 2 tấn gạo được vận chuyển an toàn”.

Bản hùng ca nơi cửa biển...

Ông Đặng Đình Ghí chia sẻ với tác giả về những lần rà phá bom,đối mặt với cái chết.

Năm 1968, khi huyện Kỳ Anh có chủ trương thành lập các tổ công binh dân quân tự vệ để rà phá bom mìn, dọn đường cho tàu của ta vào vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược, chàng thanh niên miền biển Đặng Đình Ghí nhất quyết xung phong tham gia.

Dẫn chúng tôi về lại “chiến trường” xưa, đôi mắt nhìn xa xăm hướng về nơi cửa biển, ông kể: Thời điểm đó, số bom TN (bom nổ chậm) và thủy lôi của địch được tập trung rải đều ở các bến phà, dòng sông, cửa biển và các điểm xung yếu, số còn sót lại chưa nổ nhiều như nấm. Để giải quyết vấn đề này, huyện đã thành lập 17 đội phá bom chuyên nghiệp; các xã tổ chức 1-2 đội đảm nhận phá bom trên địa bàn. Số bom nằm trên cạn, dễ phá, dân quân đã dọn sạch. Nhưng nan giải nhất vẫn là số bom nằm dưới các dòng sông và nhất là các cửa biển. Làm thế nào để phá hàng ngàn quả bom đang nằm sâu dưới hàng chục mét nước là điều hết sức khó khăn. Ban đầu, tổ công binh của ông cũng chỉ chọn cách thô sơ, chèo thuyền ra giữa dòng, lặn sâu xuống, dùng bộc phá kích nổ. Cách làm này vừa nguy hiểm mà hiệu quả không cao, mỗi ngày, cả tiểu đội của ông chỉ phá được vài ba quả.

Bản hùng ca nơi cửa biển...
Bản hùng ca nơi cửa biển...

Hải khẩu - cửa biển Kỳ Anh, nơi ghi dấu một thời lửa đạn.

Sau đó, ông Ghí được cấp trên cử đi học cách đặt phá, chắp nối dụng cụ dưới nước và đã trực tiếp vận dụng linh hoạt các kỹ thuật, đưa ra sáng kiến phá bom dưới nước. Để phát hiện bom dưới lòng sông, ông đã cùng đồng đội lấy đá buộc vào dây thả xuống sông rồi dùng 2 chiếc thuyền kéo. Hễ chỗ nào thấy vướng, ông xung phong lặn xuống ngay để kiểm tra. Khi xác định được vị trí, ông nhận nhiệm vụ mang bộc phá xuống phá bom.

Bản hùng ca nơi cửa biển...

Người chiến sỹ “kình ngư” ấy đã chia sẻ với tôi có lần phải lặn đến 4 lần ở độ sâu hơn 10m, thái dương nhức buốt, người mệt rã rời vì áp lực nước nhưng ông vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Ông đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo thông tuyến an toàn cho thuyền bè vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược vào chiến trường. Từ năm 1967 - 1968, đơn vị dân quân xã Kỳ Ninh đã phá được 138 quả bom, riêng ông trực tiếp phá 28 quả bom.

Ông Ghí còn nhớ như in, vào ngày 24/6/1968, phát hiện 2 quả bom nằm trên cạn cách mặt nước hơn 2m, đúng phiên trực của nhóm, ông xung phong ra phá bom, lúc lội gần đến nơi thì được lệnh tạm dừng cho 2 đồng chí trong đội công binh của đơn vị khác tiếp cận thực tập tại hiện trường. “Mặc dù trước khi ra, tui đã dặn dò kỹ lưỡng nhưng khi đang tiếp cận mục tiêu, không ngờ bom phát nổ, chỉ trong tích tắc thôi, chúng tôi đã mất 2 đồng đội, đau thương tột cùng” - ông Ghí xúc động kể.

Ngược về những hồi ức không thể quên, ông chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời khi làm hoa tiêu tham gia cùng một lực lượng hải quân vào rà phá bom từ trường ở cửa biển Kỳ Anh để dọn đường cho việc thành lập binh trạm ở đây. “Tôi vừa bước lên tàu xung phong làm hoa tiêu, một đồng chí hải quân hỏi ngay: Đồng chí cho kiểm tra giấy báo tử, thẻ liệt sỹ và những giấy tờ đồng ý cho đồng chí làm hoa tiêu!”. Tôi đáp: Tôi tham gia quân đội, xung phong ra đây cùng các anh, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hy sinh là lẽ thường tình. Các đồng chí cứ yên tâm đi” - ông Ghí kể lại.

Bản hùng ca nơi cửa biển...

Rồi ông nghẹn lời kể về kỷ niệm mà ông khắc ghi suốt cuộc đời: “Tui vẫn nhớ như in cái ngày chúng tôi nhận được điện báo Bác Hồ mất. Tưởng như tiếng sét giữa trời quang, đau đớn tột cùng. Trong giờ phút đau thương ấy, đứng trước di ảnh Người, nước mắt hóa đá, thành lòng quyết tâm sớm thống nhất đất nước, đưa Nam - Bắc sum họp một nhà như Bác hằng mong muốn. Biến đau thương thành sức mạnh, chúng tôi tự thấy mình phải chiến đấu dũng cảm hơn nữa để xứng đáng với niềm tin tưởng của Bác Hồ.

Trong suốt những năm tháng vừa chiến đấu, vừa sản xuất, ông Đặng Đình Ghí đã nêu cao vai trò gương mẫu, xung kích, không ngại gian khó, hy sinh, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ. Từ năm 1966 - 1968, ông liên tục được tặng danh hiệu “Xã viên sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”. Năm 1968, ông được tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng và ngày 25/8/1970, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Bản hùng ca nơi cửa biển...

Chiến tranh kết thúc, ông Ghí lúc đó vẫn mang thương tích ở mắt và tai, nhưng vẫn nung nấu ước mơ tiếp tục được học. Ông đăng ký tham gia học tập tại Trường Công Nông thuộc Quân khu 4, đóng tại huyện Hương Sơn. Năm 1984, ông đi theo chương trình kinh tế mới tại Sư 33, Trung đoàn 75, tới năm 2002 mới trở về quê hương. Ông đã năng nổ tham gia các hoạt động của Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh thôn, xã và luôn đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương. “Ở ông luôn toát lên một lối sống mộc mạc, giản dị và đậm chất lính Cụ Hồ, vì vậy, ông được mọi người hết sức tin yêu, mến phục” - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Ninh Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Bản hùng ca nơi cửa biển...

Rời Kỳ Ninh trong ánh chiều chập choạng, tôi như nghe văng vẳng lời tâm tình của người chiến sỹ công binh: “Đối với tui, dù không cầm súng ra chiến trường nhưng được cống hiến cho đất nước là niềm vinh dự nhất trong cuộc đời mình”. Và tôi biết ngọn lửa anh hùng cách mạng mà bao thế hệ cha anh nơi đây đã thắp lên, sẽ cháy mãi trên vùng đất thiêng nơi cửa biển Kỳ Anh.

thiết kế: huy tùng

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast