Những ký ức hào hùng và nỗi buồn thời hậu chiến...

(Baohatinh.vn) - Hướng tới kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 (1947-2016)

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, trận địa cũ năm xưa giờ đã khoác lên mình màu áo mới. Nhưng với những chiến sĩ thuộc Đại đội giao thông chủ lực huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), những năm tháng rà phá bom mìn, đảm bảo giao thông trên tuyến đường 15A - từ cầu 21 qua thị trấn Hương Khê vào huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình vẫn luôn vẹn nguyên trong ký ức.

nhung ky uc hao hung va noi buon thoi hau chien

Cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa, khu vực ngầm Trung Lĩnh 3, thuộc La Khê, xã Hương Trạch.

Những năm tháng không quên

Hơn 40 năm sau chiến tranh, Đại đội giao thông chủ lực Hương Khê ngày ấy, nay người còn, người mất. Trở lại chiến trường xưa, những cựu binh không nén nổi xúc động khi lắng nghe tiếng vọng từ ký ức dội về, khi nghĩ đến những đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất này. Tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất của đời người, họ đã hiến dâng trọn vẹn cho quê hương.

Trên bản đồ chiến lược ngày ấy, Hương Khê được coi là yết hầu của tuyến đường Trường Sơn, là hậu phương trực tiếp chi viện cho chiến trường miền Nam và vùng trung hạ Lào. Để đảm bảo giao thông thông suốt cho tuyến đường 15A từ cầu 21 qua thị trấn Hương Khê vào huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình với chiều dài trên 40 km, Đại đội giao thông chủ lực huyện Hương Khê được thành lập. Lúc đầu chỉ có 40 người, sau đó, tăng lên 220 người, chia làm 3 trung đội và 1 đội cầu.

Bà Đinh Thị Diện - một chiến sỹ ở Đại đội giao thông chủ lực nhớ lại: “Từ cuối năm 1965, trên địa bàn huyện Hương Khê, máy bay Mỹ ném bom rất ác liệt, nhất là ở các trọng điểm như: phà Địa Lợi, cầu Chợ Vạn, cầu Khe Ác, cầu La Khê, ngầm Lộc Yên… Với quyết tâm “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, các cán bộ, chiến sĩ của đại đội chúng tôi đã anh dũng bám cầu, bám đường, kịp thời bảo vệ người và tài sản, máy móc, xe cộ an toàn”.

Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tại phà Địa Lợi, nơi được mệnh danh là “yết hầu của yết hầu” bình quân mỗi đêm có từ 400 - 500 chuyến xe đi vào chiến trường và cũng có ngần ấy lượng xe ra Bắc. Vậy nhưng, giữa làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, bộ đội và công nhân chủ lực vẫn kiên cường bảo vệ phà, rà phá bom mìn thông đường cho xe qua.

Ông Nguyễn Trung Chính còn nhớ như in những khoảnh khắc cận kề cái chết: “Chiều 28/8/1972, tại ngầm Trung Lĩnh 3 thuộc La Khê, xã Hương Trạch, nước lũ đầu nguồn đổ về chảy xiết. Để cứu xe chở thương binh, tôi chỉ kịp xin phép B trưởng rồi lao xuống dòng nước, vác một tảng đá to đứng làm cọc tiêu cho xe vượt ngầm. Lúc xe chạy qua đã tạo nên những con sóng tưởng chứng có thể cuốn trôi tôi… Ngoài ra, còn biết bao kỷ niệm trong những lần cùng đồng đội quyết tử phá bom, chữa cháy bảo vệ các kho hàng, bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân…”.

nhung ky uc hao hung va noi buon thoi hau chien

Vẫn còn nhiều chiến sĩ của đơn vị chưa được ghi nhận công lao xứng đáng

Nỗi buồn thời hậu chiến

Mặc dù đã vinh dự được tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân, thế nhưng, hàng chục năm qua, do thiếu thông tin, các cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh chính xác và đầy đủ về chiến công xuất sắc của đại đội. Và vẫn còn nhiều chiến sĩ của đơn vị chưa được ghi nhận công lao xứng đáng, đặc biệt, do thiếu hồ sơ thủ tục nên đến nay vẫn còn 34 chiến sĩ của đại đội chưa được hưởng các chế độ, chính sách.

Ông Hoàng Quốc Hựu (xóm 8, xã Hương Lâm) mang trên mình 5 vết thương nặng, khi trở trời lại đau nhức nhối. Nhưng đã ngoài 80, ông vẫn phải cố gắng chắt bóp từng đồng trợ cấp từ chế độ cho người cao tuổi để chăm sóc, thuốc men cho người vợ bị bệnh tâm thần. Ông tâm sự: “Hơn 10 năm (từ 1966 - 1977) cùng đồng đội bám trụ ở các trọng điểm, 5 vết thương đến giờ vẫn còn sẹo nhưng tôi vẫn chưa làm được chế độ bởi giấy tờ đã bị vợ đốt hết trong 1 lần lên cơn. Tuổi già, sức yếu, lại không làm được chế độ, chính sách khiến cuộc sống vô cùng khó khăn”.

Cùng chung tình cảnh, ông Nguyễn Lạc cũng đang cô độc trong ngôi nhà xập xệ ở xóm Tân Phú, xã Hương Trạch khi tuổi xế chiều mà chưa được hưởng một sự ưu đãi nào ngoài chế độ hộ nghèo. Mỗi khi tắt lửa, tối đèn đều chỉ biết trông chờ vào bà con lối xóm. Qua chuyến thăm lại chiến trường và gặp gỡ đồng đội do đại đội tổ chức, tôi được biết, phần lớn những chiến sĩ của đại đội chưa được hưởng chế độ đều thuộc diện hộ nghèo, gia đình neo đơn và phải đối mặt với những di chứng tàn khốc của chiến tranh. Trong đó, có những người triền miên trên giường bệnh, cuộc sống chỉ tính từng ngày nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm về một sự ghi nhận của Nhà nước dành cho những cống hiến của họ trong những năm tháng sục sôi khói lửa.

Ông Lê Hải Đăng - Trưởng ban liên lạc Đại đội giao thông chủ lực Hương Khê không giấu nổi tiếng thở dài: “Nhiều năm nay, Ban liên lạc Đại đội vẫn miệt mài tìm kiếm để công nhận cho họ. Nhiều người như tôi hay ông Nguyễn Trung Chính cũng đã không tiếc công sức, tiền của để giúp đồng đội hoàn tất thủ tục giấy tờ. Nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn”.

Bà Bạch Thị Hường - một cựu binh Đại đội giao thông chủ lực huyện Hương Khê cho biết: “Nhìn hoàn cảnh đồng đội, chúng tôi rơi nước mắt, nhưng để cùng nhau gặp gỡ một lần như hôm nay là rất khó, hơn nữa, hoàn cảnh của đa số chúng tôi cũng chẳng khá hơn là bao nên chỉ biết động viên nhau mà thôi. Mong rằng, với sự vào cuộc của ban liên lạc, sự giúp đỡ của các cấp thẩm quyền, những ước mong của đồng đội sẽ sớm được quan tâm giải quyết. Bởi tất cả chúng tôi giờ đây cũng đã vào độ tuổi xưa nay hiếm, lại đau ốm thường xuyên nên không thể nói trước được điều gì”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast