Phòng không Nga luyện tập như thế nào?
Theo các quan chức quốc phòng và các chuyên gia Nga, các phương tiện phòng không hiệu quả luôn luôn là một trong những mặt mạnh nhất của Lực lượng Vũ trang Liên Xô và Nga, là sản phẩm đáng tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước.
Điều này được thể hiện rõ ngay từ giữa những năm 1960, khi hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina Liên Xô đã che chắn bảo vệ bầu trời miền Bắc Việt Nam.
Khi ấy, "đòn tấn công tên lửa từ mặt đất" (missile attack from the ground) đã là điều bất ngờ rất khó chịu đối với các phi công Mỹ, bắn cháy hàng ngàn máy bay Mỹ, đặc biệt là 34 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ trong “Chiến dịch Điện biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972.
Ngày nay, các hệ thống phòng không của Nga đã hoàn thiện hơn nhiều, còn các chuyên viên phân tích của NATO thừa nhận rằng, ngay khi có nỗ lực đầu tiên hòng chọc thủng hệ thống này, không quân của khối Liên minh chắc chắn sẽ hứng chịu tổn thất nghiêm trọng.
Hãng thông tấn Nga Sputnik đã phỏng vấn các chuyên gia và giới thiệu về cách hoạt động của hệ thống phòng không Nga. Điều này được thể hiện một phần trong các cuộc tập trận phòng không thời gian gần đây.
Theo thông lệ, những cuộc tập trận của các đơn vị tên lửa phòng không Nga thường diễn ra trong hai giai đoạn.
Giai đoạn một là công tác chuẩn bị, tiến hành các đợt bắn huấn luyện chiến đấu, tấn công các mục tiêu trên không hiện thực bằng tên lửa điện tử mô phỏng.
Đảm nhận vai trò "kẻ tấn công" là các phi công Nga cũng đang rèn luyện vận hành thử chọc thủng hoặc vượt qua lưới phòng không của đối phương.
Hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triump, nòng cốt của lưới phòng không Nga |
Các chiến đấu cơ và máy bay ném bom ráo riết vận động ở độ cao cực thấp, tiếp cận để tiêu diệt những mục tiêu mà họ được giao, do các đơn vị tên lửa phòng không che chắn; ngược lại, lực lượng phòng không cố gắng không để phi cơ đối phương thoát ra khỏi phạm vi tấn công.
Chuyên gia quân sự Nga, cựu chiến binh của lực lượng phòng không, đại tá quân dự bị Mikhail Khodarenok cho biết, trong thời gian huấn luyện-chiến đấu, luôn kiểm tra kỹ năng bắn tên lửa. Ở giai đoạn này bên phòng không rất dễ "thất bại", ví dụ như bỏ lỡ thời cơ, bắn trượt mục tiêu hoặc bắn nhưng không khai thác đầy đủ sức mạnh.
Mọi động tác đều được ghi lại: Có bản ghi âm thông tin lời nói, khẩu lệnh, tính toán hành động…, trong điều kiện Ban chỉ huy đặt ra cho các pháo thủ những nhiệm vụ phức tạp, mô phỏng hoạt động gây nhiễu điện tử và v.v… Làm như vậy để không một chiến sĩ hay động tác nào bị sai lạc sơ suất trong trận đánh thực thụ.
Giai đoạn thứ hai của tập trận là bắn tên lửa thực chiến. Để tạo mục tiêu bay, ở đây sử dụng bia di động với bộ điều khiển từ xa.
Đầu giai đoạn này, radar phòng không phát hiện, nhận dạng và kèm sát mục tiêu, tính toán quỹ đạo bay và phát lệnh cho đơn vị trực chiến để thực hiện cuộc phóng. Để mặc tên lửa bay tới mục tiêu, các xạ thủ chống máy bay tiếp tục "rọi sáng" bầu trời để tìm kiếm đối tượng nguy cơ mới.
Mức giá trả ra cho lỗi sai ở đây cao hơn nhiều so với ở giai đoạn đầu bởi không ai khen ngợi việc phóng đi một tên lửa đắt giá mà vô dụng. Còn trong trận đánh thực, những phát bắn trượt có thể là thảm họa đối với toàn bộ nhóm quân nếu đối phương thành công trong việc tiêu diệt vị trí quan trọng như sở chỉ huy hoặc trận địa pháo của ta.