Lý Tự Trọng trong ký ức cựu nữ tử tù - Mẹ VNAH Thái Thị Nhạn

(Baohatinh.vn) - Bà Thái Thị Nhạn (SN 1906, quê ở xã Phong Điền, Cần Thơ) tham gia hoạt động cách mạng, xây dựng cơ sở quần chúng ở quê nhà và được kết nạp Đảng năm 1093. Tính từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà có 47 năm tham gia cách mạng, trong đó có gần 20 năm tù đày, 4 lần bị bắt, 4 lần tra tấn khác nhau dưới thời Pháp, Mỹ...

Nhân kỷ niệm 102 năm ngày sinh Lý Tự Trọng (20/10/1914-20/10/2016)

Tấm gương hy sinh anh dũng của Lý Tự Trọng trở thành bài học sâu sắc trong suốt cuộc đời bà. Bà kể trong hồi ký: “Trong thời gian tôi ở Khám Lớn có vụ án Lý Tự Trọng là lớn nhất. Nó thành dấu ấn trong tâm hồn tôi và nhắc nhở tôi suốt cả đời mình. Tôi còn nhớ rõ lúc ấy là tháng 11 năm 1931, những người bị án tử hình bao giờ cũng bị nhốt riêng, cơm hàng ngày đưa qua một cái lỗ nhỏ… Theo chế độ đối xử với tử tù lúc đó, tử tù muốn ăn gì chúng cũng cho. Lý Tự Trọng lúc đó được gọi tên là Huy. Huy ăn ít nhưng thường đòi nhiều. Mục đích là tìm cách gửi qua phòng phụ nữ cho các chị đau ốm và cháu nhỏ. Cho tới một hôm, chúng tôi biết là ngày mai Huy sẽ bị xử tử. Trước đó, mấy lần khi thấy tên Tây què xuất hiện là chị em đều nói cho Huy hay nhưng Huy chỉ cười và đáp: - “chưa tới em đâu chị…”.

Và hôm ấy khi thấy tên Tây què xuất hiện (vì thằng này giữ và điều khiển máy chém), kèm theo cái tin anh thợ sửa đèn cho hay, chúng tôi leo lên song sắt báo cho Huy. Lần nay anh cũng cười nhưng nói: “Bữa nay tới em rồi đó mấy chị, mấy chị ở lại mạnh giỏi, ráng cố gắng…”.

Nghe Huy nói vậy, chị em ai cũng khóc, chị em liền dùng tín hiệu Morse báo tin cho anh em hay để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh hoàn toàn có tính cách chính trị. Một đồng chí của mình sắp bị chúng hành hình, điều ấy như lửa đốt trong lòng chúng tôi. Cả ngày hôm đó đầu óc chúng tôi căng thẳng. Các anh phân công trại nữ chúng tôi canh chừng vì khám trại nữ cạnh khám tử tù. Việc chuẩn bị đã xong, chúng tôi tổ chức phiên họp suốt đêm hôm ấy.

Cửa phòng ở Khám Lớn Sài Gòn là cửa sắt bịt bùng. Chúng chỉ khoét mỗi cánh mấy lỗ tròn bằng ngón tay, để khi gác ở bên ngoài chúng có thể nhìn vào quan sát ở bên trong. Đêm ấy từ lúc 4h sáng nhưng tôi đã nhìn ra bên ngoài từ cái lỗ ấy. Cứ hết người này đến người khác thay phiên nhau quan sát, theo dõi tình hình. Cả phòng chúng tôi không ai ngủ được, các anh bên phòng nam cũng đang thức trước giờ sắp hy sinh của một đồng chí can trường. Khoảng gần 5h sáng, không gian yên tĩnh bỗng nổi lên những tiếng xe gầm rú, tiếng động của sắt thép va chạm nhau làm ai nấy nhìn nhau và tự hỏi không biết ngoài kia chuyện gì đang xảy ra. Sau này chúng tôi mới biết lúc đó giặc Pháp cho các máy chém đến dựng trước của Khám đường.

Đúng 5h chúng tôi nghe những bước chân rầm rập, gấp gấp. Chúng đã đưa Huy ra. Bỗng có tiếng hô bên ngoài vọng vào, đó là tiếng của Huy hô khẩu hiệu: Đả đảo đế quốc Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm!

Và hưởng ứng những lời bất khuất ấy của người chiến sĩ cách mạng bất khuất, không ai bảo ai, chúng tôi đồng loạt hô to: “Phản đối xử Lý Tự Trọng! Đả đảo đế quốc Pháp! Đả đảo khủng bố trắng!”

Tiếng la vang dậy một góc thành phố Sài Gòn. Tiếng là vang động đến những tấm lòng của nhân dân yêu nước. Tiếng la làm thức tỉnh lương tri của những người đang làm tay sai cho giặc, đàn áp đồng bào. Tiếng la vang động như những tiếng thét uất hận bùng lên. Chị em, anh em tù đã nói lên tiếng nói của trái tim, của tấm lòng mình đối với tổ quốc, đối với cách mạng và đối với sự hy sinh anh dũng của Lý Tự Trọng….

Người cộng sản trẻ tuổi ấy đã ra đi một cách hồn nhiên và tự tin. Vì anh đã đặt tất cả lòng tin vào Đảng, vào sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam…”

Sau ngày hòa bình lập lại, bà Thái Thị Nhạn luôn nhắc tấm gương người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng. Bà viết: “Gương mặt non trẻ, giọng nói đầy tin tưởng và yêu đời bất chấp cái chết của Trọng luôn phảng phất bên tôi. Trọng chính là bài học cho tôi. Một bài học vô giá, vượt lên mọi lý luận, những lời hứa hẹn, giáo dục. Một bài học cho một cuộc đời..”

Thế hệ hôm nay và mãi mãi sau này, chúng ta tự hào về tuổi 17 tươi đẹp của Lý Tự Trọng, mãi tri ân tấm lòng kiên trung, bất khuất sống và hy sinh vì nhân dân, đất nước. Hậu thế ghi tạc công ơn, Lý Tự Trọng đã được đặt tên cho nhiều con đường, trường học, công viên trên khắp các miền tổ quốc. Và tên Thái Thị Nhạn cũng là tên một con đường ở quận 2, Sài Gòn, Việt Nam.

BQL Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.