Mới gặp nhau buổi sáng, quần áo, đầu tóc còn khá tươm tất, thế mà trưa gặp lại đã “xác xơ” như vừa … vươn lên từ đống đổ nát. Quần áo lấm lem, tóc tai bụi phủ như vừa nhuộm màu bạch kim, bàn tay vừa cầm cốc thủy tinh xong cốc đã chuyển màu… 7 người trong đội thợ sơn Thanh Sơn (Thạch Qúy – TP Hà Tĩnh) “vẽ” nên bức tranh sống động về công việc thường ngày của những người làm nghề thợ sơn trên địa bàn Hà Tĩnh.
Quần áo lấm lem, tóc tai bụi phủ như vừa nhuộm màu bạch kim...là "đặc điểm nhận dạng" của những người làm nghề thợ sơn.
Chúng tôi có mặt tại công trình khi tốp thợ sơn Thanh Sơn đang mải miết với công đoạn thi công lớp màu. Những người thợ ngồi trên giàn giáo, bên hông đeo thùng sơn nước, cứ thế di chuyển để sơn hết những khe, ngách hẹp mà chổi sơn tròn không thể luồn tới được.
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn (29 tuổi) chia sẻ: “Đây là công đoạn cuối cùng để bàn giao nhà cho gia chủ. Tuy nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với các công đoạn khác nhưng lại đòi hòi sự cẩn thận, tỉ mỉ vì những chỗ này rất dễ bỏ qua. Hồi mới đi làm, tối về, cổ cứng đờ vì suốt ngày phải ngửa mặt lên để làm việc”.
Nhìn có vẻ đơn giản nhưng để "sơn đâu cũng đẹp”, nước sơn tường được bền lâu người thợ sơn cũng phải thật lắm công phu. Đó là nhất nhất tuân thủ nguyên tắc “từ trên xuống, từ ngoài vào trong”, giữ cho bề mặt phải luôn được khô ráo, bằng phẳng. Khi sơn nhà cũng cần thực hiện theo đúng các quy trình kỹ thuật như vệ sinh, tít, chà nhám, sơn lót và sơn màu (2-3 lớp).
Các công đoạn sơn đều đòi hỏi sự cẩn thẩn, tỉ mỉ của người thợ.
Bên cạnh chất lượng sơn thì tay nghề của thợ quyết định đến 60% thành phẩm. Thế nên, có nhiều công trình cùng một loại sơn nhưng độ bền không giống nhau. Nếu thợ làm ẩu bỏ qua bước sơn lót, không theo đúng các bước trong quy trình thì dẫn đến lớp sơn có tuổi thọ ngắn, dễ bị bong tróc, phai màu, ẩm, mốc…
Anh Trần Hậu Thanh – chủ đội sơn Thanh Sơn chia sẻ: “Nghề thợ sơn tuy không quá khó nhưng đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ ở tất cả các công đoạn. Hơn thế, với kinh nghiệm thi công của mình, nhiều khi thợ sơn còn trở thành "thầy" phong thủy hoặc tư vấn viên cho chủ nhà trong lựa chọn màu sơn. Nếu nghe thì tốt, không thì mình cũng phải nói rõ chất lượng thành phẩm đến đâu để chủ nhà cân nhắc…”
Tiền công của thợ sơn dao động ở mức 320- 350 nghìn đồng/ngày đối với thợ phụ và 400 nghìn đồng/ngày đối với thợ chính.
Hiện tiền công của thợ sơn dao động ở mức 320- 350 nghìn đồng/ngày đối với thợ phụ và 400 nghìn đồng/ngày đối với thợ chính. So với mức độ nặng nhọc, vất vả thì công việc của thợ sơn có vẻ “nhàn” hơn so với thợ xây. Tuy vậy, hàng ngày, thợ sơn phải tiếp xúc với bụi, mùi hóa chất của sơn rất độc hại, thời gian ngày công làm cũng ngắn và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Thông thường, một công trình nhà 2-3 tầng, thợ sơn tập trung hoàn thành chỉ trong 10-15 ngày.
Hiện nay, bên cạnh số ít các công ty chuyên thi công lĩnh vực sơn, thị trường Hà Tĩnh chủ yếu là các nhóm thợ nhỏ, lẻ. Họ tập hợp nhóm, tổ thợ 7-10 người, đứng ra nhận thầu công trình trực tiếp với chủ nhà hoặc với các công ty tư vấn. Người chủ nhóm lo điều đình giá cả, sau đó trả công trực tiếp cho các thợ. Ngoài ra, các chủ nhóm cũng được các đại lý sơn khá “ưu ái” vì hơn ai hết, họ chính là kênh tư vấn khá tin cậy cho chủ nhà.
Một tốp thợ sơn cần 10-15 ngày để hoàn thành ngôi nhà từ 2 -3 tầng.
Mỗi người có một công việc nhưng để sống được lâu dài với nghề này, những người thợ sơn luôn phải đặt chữ tín lên hàng đầu. Khi chủ nhà không thể giám sát 100% tại công trường, thợ sơn tự bảo nhau phải làm như thể làm cho chính mình. Sơn rồi kiểm tra lại, còn chỗ nào chưa ưng ý thì phải chỉnh sửa cho thật vừa lòng mới thôi. “Mỗi khi bàn giao công trình cho chủ nhà, sự hài lòng của họ mới thực sự là nguồn động viên lớn đối với chúng tôi”- anh Thanh chia sẻ.