Nhọc nhằn nữ “phu cá” ở cảng Thạch Kim

(Baohatinh.vn) - Không mua bán, không chèo kéo, mỗi tinh sương, hàng chục phụ nữ lặng lẽ đội cá thuê cho các tàu cập cảng Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Hơn cả những người vợ ngóng chồng đi biển, hơn cả những chủ thu mua hải sản, những người phụ nữ làm nghề “phu cá” luôn mong mỏi những chuyến tàu trở về với khoang cá ắp đầy.

Nhọc nhằn nữ “phu cá” ở cảng Thạch Kim

Những nữ "phu cá" như những thân cò lặn lội trong đêm

3h sáng, khi nhà nhà đang chìm trong giấc ngủ thì cảng cá Thạch Kim đã bừng thức. Trên bến cảng hầu như chỉ thấy bóng dáng phụ nữ. Lẫn trong hàng trăm phụ nữ chen chúc nhau chờ đợi chồng, chờ đợi hàng, những người phụ nữ trung niên với sọt và rổ trên tay luôn sẵn sàng. Họ là những nữ “phu cá”.

Hơn 40 năm làm “phu cá”, bà Trần Thị An ở thôn Sơn Bằng (Thạch Kim) không thể tính được mình đã đội lên đầu bao nhiêu tấn cá nhưng bà thuộc tính nết từng chủ tàu như thuộc tính nết những người trong gia đình. Giống như những người phụ nữ làm “phu cá” ở cảng Thạch Kim, mỗi ngày công việc của bà bắt đầu từ 3h sáng và kết thúc vào khoảng 9h. Không kể mùa hè nóng bức hay mùa đông rét mướt, trừ những ngày mưa bão và đau ốm, còn lại ngày nào bà cũng ra cảng với chiếc nón trên đầu và cái thúng, cái sọt trên tay để đợi tàu.

Nhọc nhằn nữ “phu cá” ở cảng Thạch Kim

Sau một buổi lao động cực nhọc, bà Trần Thị An được 2 chủ tàu trả công cho khoảng 10 kg cá

Bà An cho biết: “Công việc này rất vất vả nhưng cũng giúp chúng tôi có thêm thu nhập. Các chủ tàu không trả công bằng tiền mà trả công bằng cá. Mỗi thuyền, tuỳ sản lượng đánh bắt được mà trả công cho chúng tôi ít hay nhiều. Số cá được trả đó, chúng tôi bán cho các tiểu thương hoặc người dân ngay trên bến cảng, khi dăm bảy chục, khi một trăm, ngày may mắn thì cũng được nhiều hơn một chút. Gặp chủ tàu xởi lởi thì cũng có thêm con tôm, con mực về cải thiện bữa cơm gia đình”.

Ở cảng cá Thạch Kim hiện có hơn 20 phụ nữ làm nghề “phu cá”, thông thường mỗi người sẽ đội cá thuê cho 2 tàu nhưng cũng có ngày phải “ôm” việc cho 3, 4 tàu khi số lượng tàu cập cảng lớn. Dù thu nhập bèo bọt và bấp bênh nhưng không mấy ai chê và bỏ việc cả. Những người phụ nữ ở nhiều độ tuổi, nhiều thôn, xã khác nhau đã gặp nhau trên bến, đồng cảm, chia sẻ với nhau, động viên nhau cố gắng.

Nhọc nhằn nữ “phu cá” ở cảng Thạch Kim

Những ngày sức khoẻ yếu, nữ "phu cá" vẫn không nghỉ mà đội ít cá hơn trong mỗi chuyến.

Bước thoăn thoắt trên 13 bậc cấp, đội trên đầu cái rọ đầy cá có ghi chữ Thanh là bà Đậu Thị Thanh ở thôn Xuân Phượng (Thạch Kim). Bà Thanh năm nay ngoài 50 tuổi, chồng đi biển làm thuê cho một chủ tàu cá trong thôn, thu nhập không đủ trang trải cho gia đình với 3 đứa con đang tuổi ăn học nên phải làm “phu cá”. Mỗi ngày bà Thanh ngược xuôi đến hàng chục lần trên 13 bậc cấp với chừng 2 yến cá trên đầu mỗi lần đội.

Bà Thanh cho biết: “Những người phụ nữ làm nghề này hầu hết đều bị các bệnh về xương khớp nhưng vẫn bám biển, bám tàu bởi không làm nghề này chúng tôi cũng không biết làm gì. Mùa hè còn đỡ chứ mùa đông rét mướt, nước từ sọt cá thấm vào người lạnh cóng, dù có làm quần quật cũng không ấm lên được. Đội cá từ tàu lên bến, chuyện trượt chân ngã, tím bầm chân tay là chuyện bình thường. Cực khổ nhưng chúng tôi vẫn phải bám tàu, bám cảng chứ nghỉ ngày nào là mất thu nhập ngày đó”.

Nhọc nhằn nữ “phu cá” ở cảng Thạch Kim

"Phu cá" Lưu Thị Hoan (thôn Long Hải, Thạch Kim) với số tiền ít ỏi sau khi bán mớ cá chủ tàu trả công cho mình.

Chia sẻ với nỗi nhọc nhằn của họ, nhiều chủ tàu trả công khá hậu hĩnh. Anh Ngô Văn Tuyến - chủ một tàu cá ở Thạch Trị (Thạch Hà) cho biết: “Các thuyền viên sau những ngày dài lênh đênh trên biển, khi cập bờ lại phải bốc dỡ cá, cũng may có các bà nên đỡ cực hơn. Ở đây, chẳng có quy định nào về tiền công cho họ, hơn nữa họ cũng ít đòi hỏi nhưng tôi luôn cố gắng trả công cho họ cao hơn tàu khác, nhất là đối với những người cao tuổi, sức khoẻ kém”.

Nhọc nhằn nữ “phu cá” ở cảng Thạch Kim

Sau khi việc đội cá cho các tàu kết thúc, nhiều người còn ở lại giúp các chủ thu mua để kiếm thêm thu nhập.

Dầm mình trong sương lạnh, trong mùi tanh nồng của cá tôm, những người phụ nữ làm nghề “phu cá” dường như cũng trở nên rắn rỏi hơn. Với chúng tôi, họ chính là những thân cò mảnh mai mà dẻo dai, bền bỉ bám biển, bám tàu mưu sinh.

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.