Những năm gần đây, khi Công ty TNHH Việt Lào Vilaco (Mitraco Hà Tĩnh) tập kết khoáng thạch cao tại địa phương, nhiều người dân xã Hương Trạch có cơ hội kiếm thêm thu nhập bằng nghề "phu đá".
Công việc chính của họ là bốc dỡ, vận chuyển thạch cao từ xe tải xuống bãi. Người bốc vác thạch cao không có hợp đồng lao động, thù lao hưởng theo khối lượng sản phẩm và được trả ngay sau khi hoàn thành công việc.
Khối lượng, thời gian bốc chuyển thạch cao phụ thuộc vào phía công ty. Khi có đá về, sẽ có người gọi đến làm việc, lịch làm việc này chỉ được báo trước khoảng nửa ngày.
Cách đây khoảng 3 năm, có đến gần 20 người làm nghề "phu đá". Về sau, vì công việc nặng nhọc, không ổn định, thu nhập thấp nên nhiều người đã bỏ nghề. Chỉ còn lại khoảng 7 người làm việc thường xuyên, chủ yếu là phụ nữ.
Cứ "xả" hết một xe thạch cao, người lao động sẽ được chủ xe trả công 150 nghìn đồng, và công ty trả 120 nghìn đồng. Trung bình mỗi ngày "xả" từ 4 - 5 chuyến xe, thu nhập khoảng 150 - 190 nghìn đồng/người. Có khi chỉ được 1 xe đá, mỗi người chia nhau 40 nghìn đồng rồi về. Ngoài ra, công ty cũng hỗ trợ quần áo bảo hộ lao động, bao tay và thưởng tết cho người làm việc thường xuyên.
Việc thạch cao rơi trúng người dẫn đến "sứt da, chảy máu" đối với "phu đá" đã trở nên bình thường. Nghỉ ngơi vài ngày, khi vết thương đỡ đau, họ lại tiếp tục công việc.
Tuy là công việc tranh thủ lúc nông nhàn, nhưng đây là nghề lao động chân tay 100%, nên sức lực là điều kiện số một để hành nghề.
Những ngày này, nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến trên 40 độ C, gió Lào kéo theo bụi thạch cao bay mù mịt khiến công việc của họ càng trở nên vất vả hơn.
Họ vẫn thường bảo nhau: "Đây chỉ là nghề bán sức ăn dần".