Bé khó thở, sao bác sĩ không cho kháng sinh?

Cháu bị viêm tiểu phế quản là do siêu vi trùng nên không cần dùng kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng!

Bé Phan Văn Thái B., 15 tháng tuổi, nhà ở xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, được mẹ đưa vào bệnh viện vì khò khè, thở mệt. Bác sĩ khám và cho bà mẹ biết cháu bị viêm tiểu phế quản, nên cho cháu nhập viện và uống thuốc. Nhận mấy viên thuốc tí xíu từ tay cô điều dưỡng phát cho bé uống, bà mẹ ngần ngừ không yên tâm nên hỏi bác sĩ: “Sao con tôi bị khó thở nhiều quá mà bác sĩ không cho cháu chích kháng sinh để cháu mau hết bệnh? Bác sĩ ôn tồn giải thích: “Cháu bị viêm tiểu phế quản là do siêu vi trùng nên không cần dùng kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng chị à!”.

Về chuyên môn, trong lúc thời tiết chuyển sang mùa lạnh thì siêu vi trùng đường hô hấp phát triển, trong đó có siêu vi trùng gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Triệu chứng của viêm tiểu phế quản là trẻ bị ho, sổ mũi, sốt nhẹ, sau đó nhanh chóng thở khò khè, có trẻ nặng hơn sẽ bị khó thở, khi trẻ hít vào thì phần dưới lồng ngực rút lõm vô, nếu không xử trí kịp thời trẻ rất dễ bị kiệt sức và suy hô hấp nặng.

Bé khó thở, sao bác sĩ không cho kháng sinh? ảnh 1

Các thuốc kháng sinh không tiêu diệt được siêu vi trùng vì cấu tạo của siêu vi trùng khác với vi trùng. Người ta gọi là siêu vi trùng, vì nó là sinh vật sống có cấu trúc cực kỳ đơn giản, không phải là một tế bào hoàn chỉnh mà chỉ nó chỉ chứa bộ gen DNA hoặc RNA, bao quanh là lớp vỏ protein chứa nhiều kháng nguyên, nên bắt buộc phải sống ký sinh bên trong tế bào chủ mà nó xâm nhập. Do siêu vi trùng nằm trong vật chất di truyền của tế bào chủ cho nên kháng sinh không thể tiêu diệt siêu vi trùng. Kháng sinh chống lại vi khuẩn bằng cách làm hư hại thành phần cấu tạo của chúng như lớp vỏ bảo vệ, màng trao đổi chất... Còn siêu vi trùng không có các thành phần kể trên, nên kháng sinh không có khả năng chống lại siêu vi trùng. Chỉ khi nào thầy thuốc nghi bệnh nhân bị nhiễm siêu vi nhưng có khả năng kèm theo bội nhiễm vi trùng thì lúc đó mới cân nhắc cho kháng sinh để điều trị nhiễm trùng cơ hội.

Khi trẻ bị mắc bệnh viêm tiểu phế quản, cần đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế. Nếu thầy thuốc cho trẻ điều trị tại nhà thì cần cho cháu uống nhiều nước, tiếp tục cho ăn, bú bình thường, dùng thuốc theo toa của bác sĩ, làm thông thoáng mũi bằng nước muối sinh lý. Khi trẻ sốt, cho trẻ uống thuốc hạ sốt, có thể lau nước ấm, không để vùng ngực của trẻ bị ướt, dễ bị nhiễm lạnh. Khi thấy trẻ bị ói, không uống được, bỏ bú, trẻ mệt hơn, ho nhiều, khò khè nhiều, thở nặng hơn thì phải tái khám ngay tại bệnh viện gần nhất.

Phòng bệnh viêm tiểu phế quản bằng cách cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho ăn dặm từ tháng thứ 6 trở đi, chích ngừa đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Giữ ấm cho trẻ khi trời chuyển lạnh, không để trẻ hít phải khói, bụi, nhất là khói thuốc lá, không tiếp xúc với chó, mèo. Tránh không cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh cảm, ho… Rửa tay người chăm sóc và tay của trẻ thường xuyên bằng xà phòng.

Theo Bác sỹ Nguyễn Thành Úc/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast