Cách khắc phục tình trạng khô mũi khi ngồi điều hòa

Ngồi trong phòng điều hòa có thể gây kich ứng mũi, khô mũi, đặc biệt gây khó chịu cho những người bị viêm xoang.

Vào những ngày nóng bức, điều hòa nhiệt độ là “cứu cánh” giúp chúng ta đánh bại cái nóng. Nhưng dùng điều hòa liên tục có thể ảnh hưởng đến da, mũi hoặc họng. Đặc biệt, luồng không khí khô trong phòng khi sử dụng điều hòa có thể gây khô rát mũi.

Vậy làm sao để cải thiện và phòng ngừa tình trạng khô mũi do điều hòa?

1. Nguyên nhân gây khô mũi khi ngồi điều hòa

Nguyên nhân chính khiến chúng ta bị khô mũi khi ngồi điều hòa là do độ ẩm không khí thấp.

Cách thức hoạt động của máy điều hòa là thổi ra không khí mát nhưng khô. Điều này có nghĩa là nếu bạn ở trong môi trường máy lạnh một thời gian, tai, mũi và họng của bạn có thể bị ảnh hưởng do mất độ ẩm đáng kể. Điều này có thể làm khô màng nhầy ở tai giữa và cả đường mũi. Công việc của màng nhầy là giúp lọc vi khuẩn để vi khuẩn không xâm nhập vào tai trong và các bộ phận khác của cơ thể. Nếu nó không hoạt động bình thường thì vi khuẩn có thể xâm nhập qua mũi và kết thúc ở phần sâu nhất của tai nhờ mạng lưới các ống nối hai bên.

Như vậy, ngồi trong điều hoà lâu không chỉ làm khô mũi mà còn có thể gây nhiễm trùng tai, khô họng và làm mất độ ẩm của da.

Cách khắc phục tình trạng khô mũi khi ngồi điều hòa

Độ ẩm không khí thấp là nguyên nhân khiến chúng ta bị khô mũi khi sử dụng điều hoà (Ảnh: Internet)

2. Khô mũi ảnh hưởng như thế nào tới sức khoẻ?

Ngoài cảm giác khó chịu và đau nhức, trường hợp khô mũi hiếm khi nghiêm trọng nhưng nếu để tình trạng diễn ra lâu ngày có thể gây ra một số vấn đề như:

- Kích ứng mũi và gây khó chịu, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, nấm mốc dễ xâm nhập và gây bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi dị ứng...

- Ảnh hưởng đến xoang, đặc biệt những người bị xoang sẽ cảm thấy đau nhức và khó chịu hơn.

- Quá khô và kích ứng có thể khiến vùng da trong mũi bị nứt và chảy máu cam

3. Cách khắc phục tình trạng khô mũi khi ngồi điều hòa

Để khắc phục tình trạng khô mũi khi ngồi điều hoà, mọi người có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà như:

- Sử dụng máy tạo độ ẩm để bổ sung độ ẩm cho không khí. Điều này giúp giữ độ ẩm cho mũi họng và da, ngăn ngừa việc các bộ phận này bị tổn thương.

Lưu ý, khi sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng, mọi người nên để máy ở khu vực trống, ít đồ để tránh làm ẩm các vật dụng, gây hỏng hóc hoặc nấm mốc trong phòng.

- Uống nhiều nước sẽ giúp bù nước và giữ độ ẩm cho cơ thể. Khi ngồi trong điều hoà, bạn có thể uống từng ngụm nhỏ một cách thường xuyên.

- Xông hơi cũng là một biện pháp giúp làm ẩm cho mũi. Để xông hơi, bạn cần chuẩn bị một thau nhỏ nước nóng sạch, sau đó cúi đầu và giữ nguyên tư thế này để hít thở hơi nước bốc lên trong vài phút. Bạn cũng có thể dùng một chiếc khăn lớn để trùm đầu.

Tuy nhiên, khi xông hơi nên để mặt cách thau nước khoảng 20 - 30cm để tránh bị bỏng, không nên xông hơi quá nhiều vì nếu lạm dụng phương pháp này cũng có thể làm cho tình trạng khô mũi trầm trọng thêm.

- Sử dụng thuốc xịt mũi giúp “bôi trơn” niêm mạc, dưỡng ẩm cho mũi cũng như làm sạch mũi, loại bỏ các chất kích ứng ra khỏi mũi.

Cách khắc phục tình trạng khô mũi khi ngồi điều hòa

Máy tạo độ ẩm sẽ giúp tăng độ ẩm cho không khí và giữ ẩm cho mũi họng khi sử dụng điều hoà (Ảnh: Internet)

4. Cách sử dụng điều hòa đúng cách để ngăn ngừa tình trạng khô mũi

Để phòng ngừa tình trạng khô mũi cũng như các vấn đề sức khỏe khác khi dùng điều hòa, mọi người nên lưu ý:

- Ngồi cách xa máy điều hòa, không nên để cơ thể hoặc vùng tai mũi họng tiếp xúc trực tiếp với không khí từ máy điều hòa.

- Rửa mũi thường xuyên có thể giúp giữ cho màng nhầy hoạt động tốt, bảo vệ mũi xoang

- Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc để một thau nước trong phòng khi sử dụng điều hòa

- Nên để nhiệt độ điều hòa từ 26 đến 29 độ, không nên để nhiệt độ quá thấp

- Nếu có thể thì bạn chỉ nên sử dụng điều hòa khi nhiệt độ lên cao, vào buổi tối khi nhiệt độ giảm, bạn có thể dùng quạt hoặc tận dụng khí trời.

Cách khắc phục tình trạng khô mũi khi ngồi điều hòa
Theo PNVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast