Lai rai như... tai mũi họng!

Mặc dù không nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao như bệnh ung thư hay tim mạch nhưng các bệnh lý tai mũi họng thường dai dẳng, hay tái phát làm cho người bệnh không chỉ tốn kém về chi phí điều trị, mất ngày công lao động mà còn khiến họ mệt mỏi, căng thẳng, suy giảm chất lượng sống.

Những yếu tố thúc đẩy bệnh tai mũi họng

Môi trường ô nhiễm: Những người thường xuyên sống trong môi trường khói bụi, tiếng ồn cao hay sống gần khu vực nhà máy xí nghiệp công nghiệp có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn những người bình thường khác.

lai rai nhu tai mui hong

Môi trường nhiều khói, bụi là một nguyên nhân làm bệnh tai mũi họng tái phát.

Điều kiện thời tiết: Việt Nam là nước có nền nhiệt nóng ẩm, là điều kiện rất thuận lợi để vi khuẩn, vi-rút tấn công cơ thể. Đặc biệt, tại thời điểm chuyển mùa như từ đông sang hè hay mùa mưa sang mùa khô, tỉ lệ người mắc bệnh tai mũi họng càng tăng cao, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi.

Sử dụng thuốc sai cách: Lạm dụng quá nhiều thuốc kháng sinh trong điều trị khiến cơ thể bị “nhờn” thuốc. Tình trạng này xảy ra khiến việc tái phát các bệnh tai mũi họng là rất cao và việc điều trị trở nên khó khăn hơn bình thường. Bên cạnh đó, việc dùng thuốc không đúng liều, không đúng thời gian, không tái khám theo lời hẹn của bác sĩ, tự động mua thuốc tại các nhà thuốc về dùng... cũng là nguyên nhân khiến bệnh tai mũi họng hay tái phát.

Cơ địa bị dị ứng: Một vài trường hợp gặp phải tình trạng dị ứng khi tiếp xúc với phấn hoa, bụi bẩn...

Thói quen sinh hoạt: Những thói quen sinh hoạt không có lợi như uống nước đá, nằm máy lạnh thường xuyên, đi bơi ở những bể bơi còn nhiều hóa chất... cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh tai mũi họng phát sinh và phát triển.

Không vệ sinh cá nhân: Vệ sinh cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng để phòng tránh những bệnh lây lan qua đường hô hấp hoặc bệnh lý tai mũi họng. Việc vệ sinh tốt nhất nên được thực hiện bằng cách sử dụng nước muối sinh lý hằng ngày.

Các bệnh tai mũi họng thường gặp

Viêm mũi họng cấp thông thường: Đây là tình trạng toàn bộ niêm mạc mũi họng bị viêm nhiễm cấp tính do vi khuẩn hoặc vi- rút. Trong đó do vi- rút chiếm 60%-80% các nguyên nhân gây bệnh. Một số trường hợp viêm mũi họng do vi khuẩn thường gặp là phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu ß tan huyết nhóm A (khoảng 20%).

Khi bị viêm mũi họng cấp thông thường, người bệnh có biểu hiện sốt 38 - 40°C, môi khô, lưỡi bẩn, đau mỏi mình mẩy, nước tiểu vàng. Khởi đầu là dấu hiệu khô họng, đau rát họng, ho, có thể ho khan hoặc ho có đờm, giọng nói đục, chảy mũi và ngạt tắc mũi hai bên. Dịch mũi có thể trong (do vi- rút) hoặc vàng xanh (do vi khuẩn). Điều trị bằng thuốc tùy theo nguyên nhân gây bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng và chỉ dùng kháng sinh khi xác định viêm mũi họng do vi khuẩn.

Viêm amiđan cấp và mạn tính: Viêm amiđan là bệnh hay gặp, đứng hàng đầu trong những bệnh lý về họng. Bệnh tiến triển có thể cấp tính hay mạn tính. Viêm amiđan rất hay tái phát và có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Viêm amiđan cấp là hiện tượng viêm nhiễm cấp tính của amiđan do vi- rút hoặc vi khuẩn. Bệnh hay gặp ở trẻ trên 7 tuổi và người lớn. Tỷ lệ bị viêm amiđan khoảng 10% dân số.

Viêm amiđan cấp không khó phát hiện, nhiều khi bản thân người bệnh cũng tự phát hiện ra, tuy nhiên nếu không phát hiện được loại viêm amiđan nguy hiểm có thể gây biến chứng toàn thân (viêm amiđan do liên cầu β tan huyết nhóm A).Những đợt viêm amiđan cấp kéo dài khoảng 7 - 10 ngày là khỏi. Nhưng nếu không được điều trị bệnh có thể lan xuống thanh quản, phế quản hoặc gây các biến chứng như áp- xe quanh amiđan, viêm tai giữa, viêm cầu thận cấp, thấp tim, viêm khớp cấp.

Amiđan được coi là viêm mạn tính khi số đợt viêm amiđan cấp trong năm trên 5 lần. Trên bề mặt amiđan, lớp niêm mạc bị biến đổi trạng thái hoặc thoái hóa dạng phù nề hoặc teo đét. Biểu hiện hay ốm vặt. Trẻ em đôi khi chậm phát triển cơ thể, hay ho húng hắng, đau rát họng, nuốt vướng như có dị vật, đau nhói lên tai khi nuốt, hơi thở hôi, ngủ ngáy đôi khi giọng nói bị thay đổi.

Viêm V.A cấp: V.A là tên viết tắt của tổ chức amiđan vòm mũi họng (Vegetation Adenoides). Viêm V.A cấp thường gặp ở trẻ lứa tuổi nhà trẻ mẫu giáo. Trẻ bị viêm V.A chiếm một số lượng khoảng 40-53% tổng số trẻ đi khám bệnh tai mũi họng vào mùa lạnh, trong giai đoạn chuyển mùa đông xuân là 40- 65%. Triệu chứng của bệnh: Sốt 38 - 40°C, trẻ mệt mỏi, quấy khóc, kém ăn, ăn hay nôn trớ; ngạt tắc mũi, chảy nước mũi hai bên; dịch mũi có thể trong, trắng đục hay vàng xanh; ho, có thể có đờm do dịch xuất tiết từ mũi họng kích thích. Điều trị viêm V.A cấp tuỳ thuộc vào nguyên nhân vi khuẩn hoặc vi- rút.

Viêm tai giữa cấp tính: Đây là hiện tượng niêm mạc của tai giữa bị xung huyết hoặc hoá mủ. Viêm tai giữa cấp xuất hiện 80% ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Viêm tai giữa cấp thường bùng phát sau một đợt viêm mũi họng, viêm V.A cấp không được điều trị hoặc điều trị không đúng. Viêm tai giữa cấp diễn biến qua ba giai đoạn: Giai đoạn xung huyết xuất hiện ngay sau viêm mũi họng 3-4 ngày, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ. Triệu chứng toàn thân như sốt, đau tai, nghe kém và ù tai lại giảm nên bố mẹ thường cho rằng trẻ đã khỏi ốm cho đến khi nhìn thấy mủ chảy ra ngoài cửa tai. Điều trị viêm tai giữa cấp theo từng giai đoạn của bệnh.

Viêm mũi xoang: Viêm xoang cũng là một trong những bệnh nhiễm trùng còn phổ biến ở các nước đang phát triển như Việt Nam, chiếm tỷ lệ 2-5% dân số nói chung và có xu hướngngày càng tăng. Viêm xoang là hiện tượng viêm niêm mạc và ứ dịch trong lòng các xoang của khối xương mặt do bít tắc các lỗ dẫn lưu từ xoang ra mũi. Viêm xoang thường phối hợp với viêm mũi. Nguyên nhân thường do nhiễm vi khuẩn, vi- rút, nấm, dị ứng. Một số ít do chấn thương, do cản trở cơ học của khối u, dị dạng hốc mũi (gai vách ngăn, mào vách ngăn...), hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản. Viêm mũi xoang thường gặp viêm xoang cấp với biểu hiện sốt, môi khô lưỡi bẩn. Đau nhức vùng sọ mặt tương ứng với xoang bị viêm như mặt trước má, trán, vùng sau gáy, ngạt tắc mũi tăng dần. Chảy nước mũi trắng rồi chuyển thành vàng xanh, giảm ngửi...

Viêm xoang mạn tính xảy ra do viêm xoang cấp tính tái diễn nhiều lần không đượcđiều trị hoặc điều trị không đúng. Biểu hiện chủ yếu là chảy mũi một hoặc hai bên, dịch mũi ngày một đặc lại rồi có màu vàng xanh, mùi hôi. Ngạt tắc mũi tăng dần tới ngạt mũi hoàn toàn. Ngửi kém từng lúc hoặc mất ngửi, đau đầu... Điều trị viêm xoang thường theo nguyên tắc chung là đảm bảo phục hồi được chức năng dẫn lưu và thông khí của xoang. Với từng giai đoạn cấp và mạn sẽ có những biện pháp điều trị thích hợp bằng dùng thuốc hay phẫu thuật xoang.

lai rai nhu tai mui hong

Kiểm tra họng để tìm nguyên nhân gây bệnh.

Biện pháp nào ngăn ngừa bệnh tái phát?

Bệnh tai mũi họng rất hay tái phát nên để ngăn ngừa bệnh xảy ra, mỗi người có thể thực hiện những biện pháp đơn giản sau đây:

Hạn chế việc tiếp xúc với bụi bẩn: Không nên thường xuyên tiếp xúc với những nơi có môi trường khói bụi, hóa chất độc hại như công trường xây dựng, lò than... Nếu công việc bắt buộc thì cần đeo khẩu trang, sử dụng đồ bảo hộ đúng quy định khi làm việc để hạn chế hít phải bụi hay hóa chất.

Giữ ấm khi thời tiết thay đổi: Tránh để cảm lạnh khi thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt với trẻ nhỏ. Bản thân mỗi người nên trang bị đầy đủ quần áo, khăn choàng ấm, khẩu trang... mỗi khi đi dưới trời lạnh.

Có thói quen sinh hoạt lành mạnh: Dù là người lớn hay trẻ nhỏ cũng cần có thói quen sinh hoạt đúng để tránh mắc bệnh tai mũi họng như không để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp khi trời nóng, không uống nước đá, ăn nhiều kem lạnh hay bơi ở bể bơi còn nhiều hóa chất...

Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng: Nên sử dụng dung dịch kiềm nhạt như nước muối để súc miệng, vệ sinh mũi hàng ngày.

Luyện tập thể thao: Đây là biện pháp để duy trì sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, lựa chọn môn thể thao cũng như cường độ và mức độ luyện tập cần phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Điều trị dứt điểm: Khi mắc bệnh tai mũi họng, người bệnh nên điều trị dứt điểm, kịp thời để tránh việc biến chứng thành căn bệnh nguy hiểm khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời, đây còn là cách để hạn chế bệnh lý này tái phát nhiều lần.

Khi có biểu hiện bất thường: Như sốt, ho, chảy mũi... cần đến khám sớm tại chuyên khoa tai mũi họng để tránh biến chứng của bệnh cũng như phát hiện sớm các nguyên nhân có thể gây viêm xoang để điều trị triệt để, tránh bệnh tái đi tái lại nhiều lần.

Theo TS. Phạm Bích Đào/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast