Nên bỏ lì xì bao nhiêu tiền?

Ai mà không thích nhận những chiếc phong bao bên ngoài đẹp đẽ, bên trong chứa tiền. Song nên bỏ vào lì xì số tiền bao nhiêu?

Lì xì (mừng tuổi) ngày đầu năm mới là truyền thống phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Phong tục truyền thống là người trưởng thành sẽ tặng phong bao cho trẻ em, người già. Chiếc lì xì biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng, sức khỏe và trường thọ.

Ở Trung Quốc, người dân sẽ dùng những chiếc phong bì màu đỏ để đựng tiền bên trong bởi quan niệm màu đỏ là hạnh phúc và may mắn. Người dân không bỏ tiền có mệnh giá liên quan đến số 4, họ cũng không có thói quen dùng tiền lẻ.

Tại Hàn Quốc, người dân ưa chuộng lì xì màu trắng. Trên những phong bao này ghi tên của người được nhận.

Tại Nhật Bản, phong bao có hình ảnh ngộ nghĩnh. Người Nhật lì xì số tiền tương đối lớn cho trẻ em, coi đó như một khoản tiết kiệm và dạy chúng cách chi tiêu.

Ở Việt Nam, lì xì hay mừng tuổi có ý nghĩa mang may mắn đến cả người tặng và người nhận. Số tiền không quan trọng ít nhiều. Ngoài mừng tuổi trẻ con, người Việt có xu hướng mừng tuổi người già, bề trên.

Vậy, bạn nên lì xì bao nhiêu? Tất nhiên điều này hoàn toàn phụ thuộc vào người tặng. Dù vậy, lì xì của bạn có phù hợp với số đông?

Nên bỏ lì xì bao nhiêu tiền?

Người Việt thường dùng tiền mới, trong những phong bao đẹp để mừng tuổi. Ảnh: P.D

Chuyên gia tâm lý Kim Thành (Hà Nội) cho biết lì xì là biểu trưng mang may mắn đầu năm cho nhau chứ không phải là để cho nhau tiền. Vì thế không nên lì xì quá nhiều tiền, nhất là với trẻ con.

Nên chọn những đồng tiền mới, màu đỏ, xanh đẹp và có những con số đại diện cho may mắn. Đã có nghiên cứu cho thấy con người có xu hướng tiêu tiền cũ trước, tiền mới sau. Nếu muốn biếu tiền bố mẹ, người lớn trong nhà, trong họ nên biếu riêng. Người Việt luôn kèm một câu chúc khi lì xì, bạn hãy chuẩn bị luôn cả những lời chúc này.

Không có một căn cứ nào để bỏ tiền, song bạn có thể cân nhắc theo các hướng dẫn sau:

1. Đối với cha mẹ: Tặng con số 100

Cha mẹ đã nuôi nấng chúng ta khôn lớn. Sau một năm đi làm trở về, món quà của bạn thể hiện như một sự kính trọng, báo đáp cha mẹ, đồng thời khoản mừng tuổi còn cho thấy năm nay bạn làm ăn có tốt không. Theo chuyên gia Kim Thành, nên biếu tặng cha mẹ một khoản có liên quan đến con số 100, ví dụ 100.000 đồng, hoặc 100 đôla tùy điều kiện gia đình. 100 là biểu tượng của trường thọ, đủ đầy phúc lộc. Như vậy, lì xì này giống như lời cầu chúc người già trong nhà sẽ sống lâu trăm tuổi, phúc, lộc, thọ đủ đầy.

2. Đối với cháu

Số tiền ở đây phụ thuộc vào độ tuổi và mức độ thân thiết. Nếu gần gũi và là một người đã học cấp ba, hay đại học, bạn có thể lì xì số tiền lớn hơn trẻ nhỏ. Hoặc để tránh sự phân biệt giữa các anh chị em, bạn có thể tặng đồng đều.

Đa phần người Việt thường tặng tờ 50.000, 100.000 hoặc 200.000 đồng cho con cháu.

3. Con bạn

Số tiền bạn sẽ cho con tùy thuộc vào độ tuổi. Nếu con đang ở độ tuổi mẫu giáo, một con số tượng trưng là đủ để con bỏ vào heo đất của mình. Đối với trẻ lớn hơn, số tiền này còn đóng vai trò như một khoản tiêu vặt bổ sung, đồng thời là cơ hội cho bạn dạy con sử dụng tiền và cách tiết kiệm.

Song, nếu bạn có hơn một đứa con đều đã lớn, mỗi người nên nhận một lì xì như nhau.

4. Con của bạn bè, hàng xóm

Đặt ra một con số trung bình trong khả năng tài chính của bạn, ví dụ 20.000, 50.000 hay 100.000 đồng để tặng. Con số này có thể thành thông lệ hàng năm.

Theo bà Kim Thành, lì xì là nét đẹp văn hoá truyền thống, nên giữ gìn và có thể đổi mới, sáng tạo thêm. Ví dụ như có thể lì xì bằng sách phù hợp với đối tượng nhận. Trong phong bao mình viết thiệp chúc mừng năm mới kèm một lời chúc ý nghĩa tới người nhận và tất nhiên vẫn có một tờ tiền.

Theo Bảo Nhiên/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast