Tin đồn uống vitamin C, nước dừa làm bệnh COVID lâu khỏi có đúng không?

Gần đây, dư luận rộ lên tin đồn về việc uống vitamin C, nước quả có múi, nước dừa làm bệnh COVID-19 lâu khỏi. Thông tin thật, giả lẫn lộn, khiến người dân như lạc vào "mê hồn trận". Vậy sự thực của lời đồn này có đúng không?

1. Loạn khuyến cáo cho F0

Trong bản tin khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19 của một phường tại Hà Nội, cùng với các hướng dẫn quy trình chăm sóc F0 tại nhà thì có đưa ra kinh nghiệm chăm sóc F0 như sau:

Tin đồn uống vitamin C, nước dừa làm bệnh COVID lâu khỏi có đúng không?

Một khuyến cáo tới người dân.

Còn theo chia sẻ trên một nhóm zalo, dùng nước dừa tươi, gừng tươi và đường phèn... được gọi là “bài thuốc Tiên”. Theo thông tin sự việc được nhắc đến, có người ở TP. Hồ Chí Minh nhiễm cúm rất nặng đã làm theo và khỏi bệnh với 5 quả dừa?. Ngoài ra cũng có nhiều người nhiễm cúm đã khỏi bệnh nhờ bài thuốc này.

Tác giả bài viết cho rằng, dung dịch sau khi đun có tính kiềm, rất giàu vitamin, vi khoáng, vi chất dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch, kháng virus... xét về khoa học, hoàn toàn có thể dùng để chữa và phòng virus, COVID-19 biến chủng Delta, Omicron hiệu quả, không gây ra bất cứ tác dụng phụ nào...(!?)

Trong bối cảnh hiện nay, các F0 như lạc vào ma trận thông tin, không biết nghe theo thông tin nào, bởi có những thông tin trái ngược hoàn toàn nhau.

2. Ý kiến của chuyên gia

Ở góc độ chuyên môn, Chuyên gia dinh dưỡng ThS.BS. Lê Thị Hải – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng quốc gia phản đối những thông tin kiểu này.

Bà cho rằng: "Thông tin nêu trên không có cơ sở khoa học. Làm sao có thể kết luận được là uống các thứ nước quả có múi như nước cam, nước bưởi, nước dừa… làm bệnh COVID-19 lâu khỏi?. Và cũng không có nghĩa là cứ uống các loại nước này thì sẽ khỏi COVID-19.

Tin đồn uống vitamin C, nước dừa làm bệnh COVID lâu khỏi có đúng không?

ThS.BS. Lê Thị Hải - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa.

Bệnh khỏi nhanh hay lâu là do sức đề kháng của mỗi người. Người có sức đề kháng tốt, không có bệnh lý nền, bệnh chỉ qua loa, nhanh khỏi và không để lại hậu quả gì.

Ngược lại có người do sức đề kháng kém, lại có bệnh nền nên gặp các triệu chứng nặng hơn, dai dẳng hơn, thậm chí các triệu chứng còn xuất hiện sau khi khỏi bệnh (hậu COVID )".

ThS.BS. Hải còn cho biết thêm, những người bệnh, người ốm từ trước đến nay các nghiên cứu và thực tế chứng minh vitamin C có tác dụng tăng sức đề kháng chống lại các chất oxy hóa (là những chất độc hại được sinh ra trong quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng). Nước cam, các loại quả có múi, quả mọng rất giàu vitamin C giúp người bệnh nhanh khỏi.

Vitamin C hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính, nguy cơ bệnh tim, giúp hỗ trợ kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa nguy cơ bệnh gout, phòng chống thiếu sắt, bảo vệ trí não minh mẫn và tăng cường miễn dịch…

Lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày là 75 mg đối với phụ nữ và 90 mg đối với đàn ông.

Tin đồn uống vitamin C, nước dừa làm bệnh COVID lâu khỏi có đúng không?

Thông tin vitamin C dạng sủi và nước cam làm bệnh COVID-19 lâu khỏi là không có cơ sở khoa học.

Còn riêng nước cam có một số lợi ích như: Tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện sức khỏe tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân, làm sạch da, giảm nếp nhăn, cải thiện thị lực, hỗ trợ ngăn ngừa rụng tóc, giúp tóc đẹp, cung cấp dưỡng chất khi mang thai...

Đối với nước dừa cũng chứa rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm nguy cơ mất nước, giảm vấn đề về tiết niệu, có lợi cho hệ tiêu hóa, tốt cho tim mạch giúp giảm cân, tăng cường năng lượng, tăng cường hệ miễn dịch… Nhưng nếu nước dừa giúp bệnh COVID-19 nhanh khỏi thì cần có nghiên cứu khoa học chứng minh. Không thể kết luận theo cảm tính, kết luận bừa được.

Tin đồn uống vitamin C, nước dừa làm bệnh COVID lâu khỏi có đúng không?

Nước dừa cũng không làm cho bệnh nhân COVID-19 lâu khỏi bệnh.

Các chuyên gia đặc biệt khuyến cáo, người dân chỉ nên tin và làm theo khuyến cáo chuyên môn của ngành y tế, các trang thông tin chính thống, tránh tin và làm theo các thông tin được lan truyền trên mạng, không được kiểm chứng, không có ai chịu trách nhiệm…

Theo SK&ĐS

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Chủ đề Hỏi đáp về dịch COVID-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast