Vắc xin Covid-19: Khai thác kỹ tiền sử người được tiêm để hạn chế tác dụng phụ

Các chuyên gia đều nhấn mạnh đến việc khai thác kỹ tiền sử bệnh nền, dị ứng, tiền sử phản vệ... của người được tiêm vắc xin COVID-19 để đảm bảo cho việc tiêm chủng diễn ra an toàn, đạt hiệu quả cao nhất.

Chia sẻ tại buổi tiêm vắc xin COVID-19 cho cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Theo thống kê, cán bộ y tế chiếm 10% ca nhiễm COVID-19. Ở nước ta, may mắn chưa có cán bộ y tế tử vong dù đã trải qua 3 lần dịch bùng phát, có thể nói đây là thắng lợi rất lớn.

Vắc xin Covid-19: Khai thác kỹ tiền sử người được tiêm để hạn chế tác dụng phụ

GS.TS Nguyễn Văn Kính chia sẻ thông tin với báo chí sáng 8/3.

GS.TS Nguyễn Văn Kính cũng nói rõ, bất cứ một thứ thuốc, vắc xin hay sinh phẩm gì đưa vào cơ thể đều có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định. Tác dụng phụ ghi nhận nhiều nhất với vắc xin COVID-19 là đau ở chỗ tiêm, một số trường hợp gặp phải tình trạng áp xe nơi tiêm, đây là những phản ứng thông thường nhất. Còn nặng nề nhất là sốc phản vệ.

“Tất cả các thuốc, kể cả kháng sinh khi tiêm đều có thể gây sốc phản vệ. Do đó, các cơ sở y tế cần biết các biến cố bất lợi có thể xảy ra để chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ sẵn sàng xử trí. Trước khi tiêm vắc xin, phải hỏi người được tiêm có tiền sử bệnh nền, dị ứng, tiền sử phản vệ để xem xét có tiêm được hay không? Vì mỗi một loại thuốc, vắc xin đều có chống chỉ định” - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm cho hay.

Với vắc xin COVID-19, hiện nay chưa nghiên cứu nhiều ở phụ nữ mang thai. Vắc xin này cũng chưa có dữ liệu nghiên cứu lâm sàng từ 0-18 tuổi nên chỉ định khuyến cáo tiêm cho người trên 18 tuổi đến 60 tuổi. Gần đây, thử nghiệm ở các nước cho thấy tiêm cho những người trên 60 tuổi vẫn có hiệu quả.

“Việt Nam lần đầu tiên triển khai tiêm vắc xin COVID-19, vừa tiêm, vừa theo dõi chặt chẽ. Mong muốn của nhà sản xuất và chúng ta là tạo được miễn dịch cộng đồng. Ít nhất 2/3 dân số có miễn dịch thì dịch bệnh sẽ không bùng lên nữa” - GS.TS Nguyễn Văn Kính nói.

Thông thường, đợt tiêm đầu tiên sẽ có 2 - 3 mũi nhắc lại cơ bản. Với vắc xin COVID-19, nhà sản xuất xác định 2 mũi tiêm cơ bản. Mũi đầu cách mũi thứ 2 là 21 ngày.

Sau khi tiêm mũi 1 đạt hiệu quả miễn dịch 61 - 67%, sau mũi 2 là 81% trở lên. Thời gian bảo vệ khoảng 7 tháng. Tuy nhiên, còn tùy thuộc từng người và phải đo lượng kháng thể để đánh giá xem còn hiệu quả bảo vệ không?

TS.BS Vũ Minh Điền - Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng chia sẻ , các trường hợp chống chỉ định tiêm chủng gồm: Có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần): Sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái khó thở; Suy giảm miễn dịch (bẩm sinh, nhiễm HIV giai đoạn IV, suy giảm miễn dịch nặng): Chống chỉ định tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực. Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Vắc xin Covid-19: Khai thác kỹ tiền sử người được tiêm để hạn chế tác dụng phụ

TS.BS Vũ Minh Điền tiếp nhận vắc xin COVID-19 tại điểm tiêm BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 sáng 8/3.

Tạm hoãn tiêm chủng với các trường hợp có tình trạng suy chức năng cơ quan. Mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Sốt trên 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5 độ C (tại nách). Người mới dùng các sản phẩm Globumin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) thì tạm hoãn vắc xin sống giảm độc lực. Người đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (prednisolon 2mg/kg/ngày) hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày thì tạm hoãn vaccine sống giảm độc lực.

Người có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vắc xin. Mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi... chưa ổn định. Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đặc biệt lưu ý với y tế các tuyến, trước khi tiêm chủng, cần chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh để bảo quản vắc xin nhằm bảo đảm an toàn và chất lượng của vắc xin.

Vắc xin Covid-19: Khai thác kỹ tiền sử người được tiêm để hạn chế tác dụng phụ

PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lưu ý với các trường hợp nhiễm và khỏi COVID-19 thì phải sau 6 tháng mới được tiêm vắc xin. Những trường hợp này, cơ thể họ đã có một ít kháng thể ở trong người để phòng bệnh.

Tại các điểm tiêm chủng, phải luôn luôn chú ý có hội chứng sốc. Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất đầy đủ về phác đồ phòng chống sốc cho người lớn, khác với Chương trình Tiêm chủng mở rộng, chỉ trang bị các phương tiện phòng chống sốc, phác đồ phòng chống sốc cho trẻ em.

Với mũi tiêm tiếp theo - liều thứ 2, phải hỏi xem những mũi tiêm trước đó, người được tiêm có các phản ứng hay không. Nếu có phản ứng sốc, phản ứng nặng của lần tiêm trước đó thì phải tạm hoãn hoặc hướng dẫn cụ thể để tiêm ở các cơ sở điều trị.

“Các trường hợp sốc phản vệ không chỉ xuất hiện trong 30 phút sau tiêm, mà có thể phản ứng muộn trong ngày đầu tiêm, do đó, người được tiêm chủng cần hết sức lưu ý nếu có các biểu hiện khó chịu, bứt rút hay là vã mồi hôi, ớn lạnh... hãy liên hệ cơ sở y tế và được xử trí. Các đối tượng được tiêm lần này là trên 18 tuổi nên chúng tôi hy vọng việc tuân thủ, theo dõi phản ứng sau tiêm tốt nhất” - PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay.

Theo Dương Hải/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast