Mỏ dầu 11 tỷ thùng châm ngòi căng thẳng biên giới Venezuela - Guyana

Giá trị kinh tế khổng lồ từ mỏ dầu trữ lượng 11 tỷ thùng ở vùng Esequibo đang thổi bùng căng thẳng vốn đã âm ỉ hàng chục năm qua giữa Venezuela và Guyana.

Căng thẳng giữa hai nước láng giềng Venezuela và Guyana đang nóng lên vì một tranh chấp lãnh thổ đã có từ lâu. Tâm điểm tranh cãi là vùng đất rộng 160.000 km2 xung quanh sông Esequibo, phần lớn là rừng rậm, và vùng biển ngoài khơi, nơi đã có những phát hiện lớn về dầu khí.

Năm 1811, khi Venezuela tuyên bố độc lập, họ tin rằng khu vực này là một phần lãnh thổ của mình. Bất chấp những tuyên bố đó, Anh năm 1840 đưa Esequibo vào lãnh thổ Guiana thuộc Anh, dù bị Venezuela phản đối. Căng thẳng liên quan đến tranh chấp vùng Esequibo đã dẫn tới việc Venezuela cắt quan hệ ngoại giao với Anh năm 1887.

Năm 1899, Anh và Venezuela tham gia vào quá trình trọng tài do Mỹ làm trung gian, dẫn đến phán quyết trọng tài Paris, tuyên bố Esequibo là một phần của Guyana, khi đó là thuộc địa của Anh.

Tuy nhiên, tranh chấp vẫn diễn ra âm ỉ do Venezuela cho rằng phán quyết có lợi cho Anh. Năm 1962, Venezuela đưa vấn đề này ra Liên Hợp Quốc, dẫn đến việc ký Hiệp định Geneva năm 1966, trong đó quy định các bên nhất trí tìm giải pháp hòa bình cho tranh chấp. Cùng năm đó, Guyana tuyên bố độc lập khỏi Anh và tìm cách giải quyết tranh chấp với Venezuela thông qua Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).

Tranh chấp liên quan đến vùng Esequibo bắt đầu tăng nhiệt sau khi tập đoàn dầu khí Exxon Mobil hồi năm 2015 thông báo phát hiện mỏ dầu và khí đốt với trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng có thể khai thác được ngoài khơi bờ biển ở Esequibo.

Mỏ dầu 11 tỷ thùng châm ngòi căng thẳng biên giới Venezuela - Guyana

Vị trí vùng Esequibo và mỏ dầu ngoài khơi. Đồ họa: AFP

Phát hiện về mỏ dầu ngoài khơi Esequibo đã đưa Guyana lên bản đồ các nhà sản xuất dầu thế giới. Các tập đoàn ExxonMobil và Hess của Mỹ hay CNOOC, Trung Quốc, đã khai thác dầu khí ở Guyana từ năm 2019. Sản lượng hiện ở mức khoảng 400.000 thùng/ngày và dự kiến tăng lên hơn một triệu thùng vào năm 2027.

“Vàng đen” đã mang lại động lực chưa từng có cho nền kinh tế Guyana, giúp GDP của nước này tăng khoảng 62% vào năm 2022, cũng như hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập khổng lồ cho Guyana trong những năm tới.

Venezuela cho rằng Hiệp định Geneva năm 1966 đã khiến phán quyết trọng tài năm 1899 trở nên vô hiệu. Venezuela có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới, nhưng sản lượng đã giảm đáng kể do các lệnh trừng phạt từ Mỹ và tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp do thiếu đầu tư.

Exxon cho biết tranh chấp biên giới là vấn đề do các quốc gia và cơ quan quốc tế liên quan giải quyết. Guyana đã yêu cầu ICJ chặn cuộc trưng cầu dân ý của Venezuela, cảnh báo rằng Caracas có thể “sáp nhập toàn bộ khu vực tranh chấp vào lãnh thổ của mình”.

ICJ không đi xa đến thế trong phán quyết vào tuần trước, nhưng tuyên bố cấm Venezuela thực hiện bất kỳ hành động nào có thể thay đổi hiện trạng. Bất chấp phán quyết của ICJ, Venezuela vẫn tổ chức trưng cầu dân ý vào cuối tuần qua về vấn đề Esequibo.

Theo kết quả trưng cầu dân ý được chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro công bố, 95% cử tri nhất trí thành lập một bang mới tại Esequibo mang tên “Guyana Esequiba”. Tổng thống Maduro tuyên bố sẽ tiến hành thăm dò dầu mỏ ở khu vực tranh chấp, nhấn mạnh các công ty đang hoạt động ngoài khơi Guyana có ba tháng để rời đi. Cuộc trưng cầu cũng bác bỏ quyền tài phán của ICJ đối với sự việc.

Mỏ dầu 11 tỷ thùng châm ngòi căng thẳng biên giới Venezuela - Guyana

Binh sĩ Venezuela đứng gác tại một điểm bỏ phiếu khi nước này tổ chức trưng cầu dân ý về vùng Esequibo hôm 3/12. Ảnh: AFP

Tổng thống Maduro đã nhiều lần khẳng định cuộc trưng cầu dân ý có tính ràng buộc, dù chính phủ của ông trước đây mô tả nó “chỉ mang tính chất tham vấn”.

Tổng thống Guyana Irfaan Ali hôm 5/12 cho hay nước này sẽ thông báo tình hình lên Liên Hợp Quốc và ICJ, đồng thời trao đổi vấn đề với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.

Ông nói thêm rằng quân đội Guyana đang trong tình trạng cảnh giác cao độ, cáo buộc Venezuela có hành động “ngoài vòng pháp luật”. Tổng thống Ali cũng tìm cách trấn an các nhà đầu tư tiềm năng, cho biết Guyana đã được đối tác và cộng đồng quốc tế đảm bảo hỗ trợ.

Những bình luận cứng rắn của Tổng thống Maduro làm dấy lên lo ngại rằng Venezuela có thể sử dụng vũ lực để kiểm soát vùng Esequibo.

Venezuela năm nay công bố xây dựng một đường băng quân sự, một trường học và một thao trường huấn luyện gần biên giới với Esequibo. Nhiều người Guyana đang lo ngại quốc gia 800.000 dân của họ sẽ không thể chống lại hành động quân sự từ nước láng giềng lớn hơn nhiều.

Xung đột nếu nổ ra giữa hai quốc gia giàu dầu mỏ ở châu Mỹ sẽ là cơn ác mộng đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, vốn đang đau đầu vì các cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas. Mỹ đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Venezuela với hy vọng có thể thuyết phục Tổng thống Maduro cải cách chính trị và giúp cải thiện nguồn cung dầu ổn định cho thế giới.

Khi căng thẳng tiếp tục có chiều hướng gia tăng, Mỹ hôm 7/12 tuyên bố sẽ tiến hành các hoạt động diễn tập chung với quân đội Guyana trên không phận nước này.

Mỏ dầu 11 tỷ thùng châm ngòi căng thẳng biên giới Venezuela - Guyana

Áp phích tại Caracas hôm 28/11 quảng bá cho cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Esequibo vào lãnh thổ Venezuela. Ảnh: AFP

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ quyền của Guyana”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói.

Bộ Ngoại giao Anh trong khi đó cho biết các hành động gần đây của Venezuela là “vô lý và nên chấm dứt”.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng Venezuela nhiều khả năng sẽ không điều quân kiểm soát Esequibo. Theo họ, đây chủ yếu là nỗ lực của Tổng thống Maduro nhằm thể hiện sức mạnh chính trị và thăm dò mức độ ủng hộ của dư luận dành cho chính phủ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Nicholas Watson, giám đốc điều hành khu vực Mỹ - Latin tại công ty tư vấn Teneo, trụ sở tại New York, Mỹ, tin rằng thái độ có phần quyết liệt của Tổng thống Maduro đối với Esequibo “nhắm đến dư luận trong nước nhiều hơn là báo hiệu về khả năng hành động quân sự”.

“Tôi có cảm giác đây giống như một đòn gió”, Evan Ellis, giáo sư nghiên cứu về Mỹ - Latin tại Đại học Chiến tranh Lục quân Mỹ, nhận xét. “Có lẽ đây là một tính toán của Tổng thống Maduro nhằm đánh lạc hướng chú ý khỏi cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và áp lực cải cách chính trị từ Mỹ”.

Theo VNE

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.