Mở rộng không gian - động lực để TP Hà Tĩnh phát triển xứng tầm

(Baohatinh.vn) - Năm 2030, TP Hà Tĩnh xác định sẽ trở thành đô thị cấp vùng và là đô thị hạt nhân tạo động lực phát triển của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu chiến lược, việc mở rộng không gian đang được nghiên cứu, tập trung cao.

Quy mô đô thị nhỏ

Thành phố Hà Tĩnh hiện có diện tích 56,55 km2, dân số thường trú khoảng 109,7 nghìn người, dân số vãng lai hơn 100 nghìn người. Theo tham chiếu của ngành chuyên môn, với quy mô này, TP Hà Tĩnh đang là đô thị trung tâm tỉnh lỵ nhỏ nhất so với các địa phương lân cận trong tỉnh và trong vùng Bắc Trung Bộ.

Những năm gần đây, mặc dù TP Hà Tĩnh có những bước phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng, song không gian đô thị vẫn bó hẹp và chủ yếu mới chỉ phát triển theo trục Bắc - Nam. Ảnh: Huy Tùng.

Vào tháng 2/2019, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn đô thị loại II, mặc dù vậy, đến nay, các tiêu chí về diện tích, dân số, mật độ dân số, thu nhập bình quân đầu người vẫn chưa đạt. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh còn hạn chế; tốc độ tăng trưởng kinh tế đô thị còn thấp. Đặc biệt, TP Hà Tĩnh chưa có khu công nghiệp, khu kinh tế và ngành sản phẩm chủ lực; số lượng doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ… Những yếu tố này khiến cho việc phát triển KT-XH của TP Hà Tĩnh gặp không ít khó khăn.

Vòng xuyến các tuyến đường Hàm Nghi - Phan Đình Phùng - Hà Huy Tập - điểm giao trục trung tâm lớn nhất của đô thị TP Hà Tĩnh ở thời điểm hiện nay. Ảnh: Đình Nhất

Ông Nguyễn Trọng Hiếu - Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Hiện trạng về diện tích đô thị và quy mô dân số chưa đảm bảo điều kiện quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 được sửa đổi bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp huyện (tiêu chuẩn quy định về diện tích là >150 km2 và dân số thường trú là >150.000 người) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi đó, theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố là đô thị hạt nhân trong 3 đô thị động lực của tỉnh, thu hút các dự án lớn, nhất là các dự án phát triển đô thị và dịch vụ.

Việc mở rộng địa giới hành chính, không gian đô thị TP Hà Tĩnh không chỉ đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, tạo ra những động lực mạnh mẽ để phát triển đô thị trung tâm theo hướng bền vững, đồng bộ mà còn gắn liền với định hướng phát triển tỉnh trở thành một cực tăng trưởng của cả nước”.

Điều chỉnh diện tích, mở rộng không gian đô thị

Ngày 21/12/2022, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Ban Chỉ đạo mở rộng địa giới hành chính TP Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp lần thứ nhất, đưa ra dự kiến 3 phương án mở rộng địa giới TP Hà Tĩnh. Trong đó, quan điểm thống nhất là điều chỉnh tổng thể diện tích thành phố nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển KT-XH; đảm bảo điều kiện về tiêu chuẩn diện tích sau điều chỉnh đối với các huyện lân cận và sự phát triển chung của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chủ trì hội nghị Ban Chỉ đạo mở rộng địa giới hành chính TP Hà Tĩnh triển khai nhiệm vụ.

Các phương án dự kiến đều nằm trong ranh giới của Quy hoạch chung TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận được UBND tỉnh phê duyệt năm 2015 và đảm bảo sự phát triển chung của thành phố theo Đề án xây dựng và phát triển TP Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 931/QĐ-UBND ngày 5/5/2022.

Đoàn khảo sát ADB kiểm tra một số khu vực thuộc phạm vi dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu TP Hà Tĩnh” - một trong những dự án chiến lược về phát triển hạ tầng đô thị TP Hà Tĩnh vào tháng 7/2022.

Ông Nguyễn Quốc Hà - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Xây dựng thành phố thông minh là một xu hướng tất yếu của đô thị hiện nay. TP Hà Tĩnh còn đóng vai trò trung tâm của tỉnh lỵ, mới được công nhận đạt chuẩn đô thị loại II và đang trên đà phát triển, việc điều chỉnh tổng thể diện tích, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH là rất cần thiết. Các phương án dự kiến mở rộng địa giới hành chính đã được Bộ Xây dựng, Cục Quản lý đô thị nghiên cứu đảm bảo tính khả thi. Cùng với đó, sở cũng phối hợp với các sở liên quan và UBND thành phố làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng để được hướng dẫn về quy trình thủ tục quy hoạch, phân loại đô thị và thường xuyên trao đổi ý kiến chuyên môn về các nội dung liên quan, đáp ứng yêu cầu về thực tiễn cũng như tuân thủ các quy định về pháp luật, nghị quyết, quyết định của Trung ương”.

Tháng 12/2022, điểm nút dự án “Đường Lê Duẩn, đoạn từ Vincom đến đường Nguyễn Xí” được khơi thông mặt bằng, tạo điều kiện cho địa phương thực hiện kế hoạch mở rộng trục phát triển không gian đô thị thành phố về phía Nam.

Theo đó, dự kiến phương án mở rộng thành phố sẽ theo 3 hướng, hướng Tây: mở rộng đô thị vượt qua đường tránh quốc lộ 1, kết nối với khu công nghiệp và đầu mối giao thông cao tốc quốc gia (đường bộ, đường sắt), phát triển những khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ; hướng Nam: mở rộng đô thị kết nối với các khu phát triển hỗn hợp, khai thác cảnh quan hai bên sông Rào Cái, Đại học Hà Tĩnh, khu đào tạo - nghiên cứu và sản xuất; hướng Đông: mở rộng đô thị vượt sông Rào Cái về phía biển Đông để phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị và nông nghiệp công nghệ cao kết nối với chuỗi đô thị ven biển của tỉnh.

Các phương án đảm bảo các yếu tố động lực phát triển bền vững cho thành phố, hình thành trọn vẹn không gian theo cả 2 trục Bắc - Nam, Đông - Tây (hiện nay chỉ Bắc - Nam); phát triển sản xuất, hình thành cụm công nghiệp kết hợp trung tâm logistics; kết nối với các khu đào tạo, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của tỉnh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào kỹ năng và đổi mới sáng tạo; phát triển đô thị sang phía Đông để mở rộng không gian hướng ra biển.

Chủ đề Đô thị loại II

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói