Tính đến ngày 15/6, lượng xe nhập khẩu đã tăng hơn 2.000 xe so với cùng kỳ năm trước, với giá trị ước đạt xấp xỉ gần 1 tỷ USD, cùng với đó nhập khẩu linh phụ kiện ô tô vẫn tiếp tục tăng với kim ngạch đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
Tính tổng thể, Việt Nam đã chi hơn 2,4 tỷ USD nhập ô tô, linh kiện ô tô, tính trung bình, mỗi ngày Việt Nam phải chi hơn 300 tỷ đồng cho ngành công nghiệp ô tô và tiêu dùng xe trong nước.
Tổng cục Hải quan vừa cập nhật tình hình nhập khẩu các loại hàng hoá các loại tính đến hết ngày 15/6, trong đó nhấn mạnh đến việc nhập siêu của nền kinh tế gia tăng 400 triệu USD trong nửa đầu tháng 6/2017, đóng góp vào giá trị nhập siêu có mặt hàng ô tô và linh kiện ô tô.
Nhập chủ yếu phụ kiện, chi phí sản xuất cao là thực tế đang khiến ô tô Việt Nam đắt hơn từ 10% - 20% so với các nước trong khu vực. |
Cụ thể, mặt hàng xe hơi nguyên chiếc nhập khẩu, từ đầu năm đến nay đây là mặt hàng rất được quan tâm bởi lượng xe nhập về Việt Nam gia tăng mạnh về lượng, trong khi giá (trước thuế) đang giảm mạnh.
Không chỉ góp phần khiến giá xe hơi trong nước giảm nhanh, nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc, linh kiện xe cũng góp phần lớn vào gia tăng nhập siêu cả nước trong thời gian vừa qua.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/6, cả nước đã nhập hơn 46.800 ô tô các loại, kim ngạch hơn 950 triệu USD, trong đó xe con đạt trên 25.000 chiếc, chiếm trên 50% tổng lượng nhập.
Về giá xe trước thuế nhập khẩu và thuế nội địa, trung bình xe con nhập về Việt Nam có giá hơn 375 triệu đồng/chiếc, xe khách là trên 600 triệu đồng/xe và xe tải vào khoảng hơn 450 triệu đồng.
So với cùng kỳ năm 2016, giá xe nhập về Việt Nam chưa bao gồm các loại thuế phí đã giảm khá mạnh, trong đó xe con đã giảm gần 20 triệu đồng/chiếc, xe khách giảm gần 50 triệu đồng và xe tải giảm gần 20 triệu đồng/xe.
Về nhập khẩu linh kiện, Việt Nam chia hai đối tượng, nhập động cơ nguyên chiếc và nhập thân vỏ, phần ngoại biên xe. Trong đó, phần giá trị lớn nhất là nhập động cơ xe, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để phục vụ ngành lắp ráp xe hơi trong nước. Bên cạnh đó, lượng lớn linh kiện phụ tùng khung xe, hệ thống điện... được nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Trên thực tế, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện ô tô đang là chủ đề quan tâm của dư luận bởi Việt Nam đang tập trung nhập khẩu phần lớn ở các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Việc tăng lượng nhập ô tô nguyên chiếc và linh kiện xe hơi từ ASEAN trong bối cảnh thuế nhập khẩu từ các nước trên vào Việt Nam bị cắt giảm rất mạnh không chỉ làm gia tăng giá trị nhập siêu giữa Việt Nam với các nước mà còn khiến lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước ngày càng giảm sút, tăng nguy cơ lệ thuộc nền sản xuất của Việt Nam vào các nước trên.
Theo cơ chế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), từ năm 2018 các nước ASEAN sẽ xây dựng thị trường chung thống nhất, trong đó có việc thống nhất về chính sách mở cửa tự do thị trường, tự do hoá chu chuyển luồng vốn đầu tư và tự do hoá nguồn lao động nội khối.
Điều này đồng nghĩa với việc, các nền kinh tế có chi phí thấp, ít rào cản chính sách; có nền tảng công nghiệp vững chắc và nhân lực chất lượng cao sẽ có lợi thế cạnh tranh so với các nước khác.