
Theo CNN (Mỹ), cả hai quốc gia Nam Á là Ấn Độ và Pakistan thường đón các đợt nắng nóng thiêu đốt trong tháng 5 và tháng 6, nhưng mùa nắng nóng năm nay đến sớm hơn bình thường và dự kiến sẽ kéo dài hơn. Theo dự báo, nhiệt độ sẽ tăng lên mức nguy hiểm ở cả hai quốc gia trong tuần này.
Cơ quan khí tượng của Pakistan cảnh báo một số khu vực tại quốc gia này có nguy cơ phải chịu đựng đợt nắng nóng cao hơn tới 8 độ C so với mức bình thường trong khoảng thời gian từ ngày 14/4 - 18/4. Nhiệt độ tối đa ở tỉnh Balochistan phía Tây Nam có thể lên tới 49 độ C.
Anh Ayoub Khosa, sống tại thành phố Dera Murad Jamali của Balochistan, chia sẻ với CNN rằng đợt nắng nóng đầu mùa đã đến với cường độ khiến nhiều người bất ngờ, kéo theo những thách thức đối với cư dân nơi đây. Anh chia sẻ với phóng viên CNN: “Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là tình trạng mất điện kéo dài. Điều này khiến cái nóng càng trở nên ngột ngạt và người dân khó thích nghi hơn”.

Quốc gia láng giềng Ấn Độ cũng đang trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt đến sớm hơn bình thường và cơ quan khí tượng của nước này đã cảnh báo người dân ở một số vùng của đất nước chuẩn bị cho nhiều ngày nắng nóng cao hơn bình thường vào tháng 4.
Nhiệt độ ở thủ đô New Delhi với hơn 16 triệu dân, đã vượt quá 40 độ C ít nhất ba lần trong tháng này, cao hơn tới 5 độ so với mức trung bình theo mùa. Một số bang lân cận cũng đang phải đối mặt với nắng nóng gay gắt, bao gồm cả Rajasthan ở phía Tây Bắc, nơi người lao động và nông dân đang phải vật lộn để đối phó.
Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận tại một số khu vực của Rajasthan đã đạt 44 độ C vào ngày 14/4. Cô Anita Soni, từ hội phụ nữ Thar Mahila Sansthan, cho biết nhiệt độ hiện nay cao hơn nhiều so với những năm khác và cô lo lắng về tác động đối với trẻ em và phụ nữ ở Rajasthan.
Khi những người lao động hoặc nông dân làm việc ngoài trời, họ còn đối mặt nguy cơ thiếu nước uống. Nông dân có tên Balu Lal cho biết: “Khi ra ngoài, tôi có cảm giác như con người có thể bị thiêu cháy dưới cái nắng này”. Ông cũng bày tỏ lo lắng về công việc làm nông và cách kiếm tiền nuôi gia đình.
Các chuyên gia cho biết nhiệt độ tăng cao đang thử thách giới hạn của con người. Trong những thập niên gần đây, nhiệt độ cao đã khiến hàng chục nghìn người ở Ấn Độ và Pakistan thiệt mạng. Các chuyên gia về khí hậu cảnh báo rằng đến năm 2050, Ấn Độ sẽ là một trong những nơi đầu tiên trải qua nhiệt độ vượt giới hạn khả năng sống sót.
Trong môi trường nắng nóng khắc nghiệt, thai phụ và thai nhi đặc biệt gặp nhiều rủi ro. Bà Neha Mankani, cố vấn tại Liên đoàn Nữ hộ sinh Quốc tế ở Karachi cho biết: “Có nhiều trường hợp sảy thai không rõ nguyên nhân và trẻ sinh non. Vào mùa hè, có tới 80% trẻ sơ sinh chào đời sớm và gặp vấn đề hô hấp do thời tiết. Chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng gia tăng huyết áp do thai kỳ, điều này có thể dẫn đến tiền sản giật, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở sản phụ”.
Ấn Độ và Pakistan dự kiến sẽ nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, với hơn 1 tỷ người được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng. Tác động dây chuyền sẽ rất tàn khốc. Theo chuyên gia về biến đổi khí hậu Mehrunissa Malik tại Islamabad, hậu quả có thể xảy ra bao gồm thiếu lương thực, hạn hán, lũ quét do băng tan…
Bà Malik cho biết những cộng đồng không được tiếp cận với các biện pháp làm mát, nhà ở trang bị tốt hoặc những trường hợp phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên để kiếm sống, sẽ cảm nhận được tác động này rõ rệt hơn. Bà nói: “Đối với nông dân, thời tiết ngày càng thất thường và khó dự đoán. Thách thức lớn nhất là nhiệt độ tăng cao vào thời điểm cây trồng chưa đến giai đoạn thu hoạch. Chúng bắt đầu chín sớm hơn, sản lượng giảm, và trong cái nắng khô khốc như thế này, cây cần nhiều nước hơn… Nếu cây còn non, nắng nóng gay gắt gần như không cho chúng cơ hội sống sót”.
Thêm vào đó, trước đây, các đợt nắng nóng đã làm tăng nhu cầu về điện, dẫn đến tình trạng thiếu than cho các nhà máy nhiệt điện. Nhiều trường học buộc phải đóng cửa, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.