Một bệnh nhân 4 tháng đi khám bảo hiểm y tế 123 lần

Những bệnh nhân này thường xuyên đi khám 2-3 lần mỗi ngày tại các cơ sở y tế bất kể lễ, tết.

Chiều 23/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết chỉ trong 4 tháng đầu năm đã phát hiện gần 2.800 người đi khám từ 50 lần trở lên với hơn 160.000 lượt khám, trong đó người khám nhiều nhất là 123 lần, kể cả ngày nghỉ, lễ tết.

Ngoài ra, 195 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở y tế trở lên với số tiền trên 7,7 tỷ đồng.

mot benh nhan 4 thang di kham bao hiem y te 123 lan

Nhiều cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có nhiều sai phạm dẫn đến việc âm quỹ bảo hiểm. Ảnh: Nguyễn Dương.

Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, lấy ví dụ trường hợp bà Mã Bửu Ng. (đối tượng bảo trợ xã hội, TP.HCM) khám 57 lần tại 13 cơ sở y tế, tổng chi phí gần 40 triệu đồng.

Bà này cũng thường xuyên đi khám 2-3 lần mỗi ngày tại các cơ sở y tế tuyến huyện trên địa bàn TP.HCM, được chỉ định nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý xương khớp, bệnh lý tiết niệu, bệnh lý mắt, tai mũi họng, phổi, viêm xoang, tâm thần kinh, hen…

Ông Nguyễn Văn N. (đối tượng nghèo - Sóc Trăng), 4 tháng đầu năm 2017 đã khám bệnh, sử dụng điện châm và chiếu hồng ngoại 95 ngày tại trạm y tế xã Long Hưng với số tiền 11 triệu đồng.

Bà Trần Thị S. (đối tượng hộ gia đình - Sóc Trăng) từ 1/7/2016 đến 20/5/2017 đã đi khám bệnh 215 lần. Còn từ đầu năm 2017 đến nay bà khám 114 lần, liên tục ngày nào cũng điện châm. Chỉ tính riêng số tiền điện châm điều trị đau lưng của bà S. là trên 16 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn H. (hưu trí) đã đi khám 58 lần tại 15 cơ sở y tế, tổng chi phía là hơn 30 triệu đồng, mỗi ngày ông này khám 2-3 lần tại các cơ sở y tế được chẩn đoán và cấp thuốc điều trị các bệnh lý khác nhau như tăng huyết áp, bệnh hô hấp…

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thống kê từ 9/1 đến 16/5, ông này đã được cấp hai lần Aprovel với 42 viên, 6 lần cấp thuốc Procaralan với tổng số hơn 230 viên, một lần cấp thuốc Simbicort 2 tub tại 2 cơ sở y tế trong vòng một ngày.

"Nếu bệnh nhân này dùng hết số thuốc này mà vẫn sống thì có thể trở thành sự kiện lớn của ngành y tế. Những bệnh nhân điều trị không khỏi, không đỡ, tại sao không chuyển lên tuyến trên, phải chăng có sự lạm dụng chỉ định tại cơ sở y tế và chắc chắn có sự kết hợp giữa cơ sở y tế và người tham gia bảo hiểm”, ông Đức cho hay.

Qua phân tích dữ liệu toàn quốc, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bước đầu đã phát hiện những trường hợp bất thường như kéo dài ngày nằm viện, đề nghị thanh toán không đúng quy định, chỉ định xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết, không đúng quy trình kỹ thuật, áp sai giá dịch vụ, tách dịch vụ để thanh toán.

Điển hình như trường hợp kỹ thuật phẫu thuật thay thuỷ tinh thể một mắt đơn thuần chỉ cần nằm viện một ngày nhưng tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa mất 7,1 ngày, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên cần 6,3 ngày, Bệnh viện Mắt Sơn La cần 7,5 ngày, chênh lệch tiền giường trên 1,9 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm bệnh nhân dịch vụ thực hiện kỹ thuật này chỉ cần nằm một ngày, chỉ có bệnh nhân bảo hiểm y tế mới bị kéo dài ngày nằm viện.

Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) - cũng cho biết thêm tại nhiều bệnh viện đã có hiện tượng “cắt nát” bệnh nhân để chi dịch vụ thanh toán với bảo hiểm y tế.

Ông Phúc ví dụ trên một phim chụp cẳng chân nhìn rõ xương cổ chân, xương khớp gối, xương cẳng chân, xương gót, nhưng nhiều bệnh viện đã yêu cầu Bảo hiểm Xã hội thanh toán ba dịch vụ khác nhau chụp gót chân, chụp cổ chân, chụp xương cẳng chân…

Theo Zing

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.