Một thế kỷ Haiti chìm trong hỗn loạn

Vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise đánh dấu một chương khác đầy biến động của Haiti sau một thế kỷ hỗn loạn vì bạo lực và thiên tai.

Kể từ khi Haiti tuyên bố thoát khỏi ách cai trị của Pháp vào thế kỷ 19, quốc gia này đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng và chịu can thiệp từ nước ngoài.

Năm 1915, Mỹ đưa quân vào Haiti nhằm “khôi phục hòa bình và ủng hộ các giá trị tự do” sau khi tổng thống Vilbrun Guillaume Sam bị ám sát. Các cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Mỹ nhanh chóng bị dập tắt.

Năm 1934, Mỹ rút quân khỏi Haiti, song vẫn duy trì ảnh hưởng kinh tế cũng như để lại các di sản chính trị tại quốc gia này.

Trong ảnh là cuộc gặp giữa cựu tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt (ngồi bên phải trên xe) và cựu tổng thống Haiti Sténio Vincent tại Cap-Haitien vào tháng 7/1934.

Thủ đô Port-au-Prince và cũng là thành phố lớn nhất Haiti vào tháng 12/1937, ba năm sau khi Mỹ rút quân.

Tới giữa thế kỷ 20, Haiti bị cai trị bởi chế độ độc tài kiểu “cha truyền con nối”. Francois Duvalier, hay còn gọi là Papa Doc, lên nắm quyền năm 1957 và mở ra một thời kỳ đẫm máu khi ông liên tục củng cố quyền lực và đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Khi Duvalier qua đời vào năm 1957, con trai ông là Jean-Claude Duvalier, hay Baby Doc, lên nắm quyền ở tuổi 19, đảm nhận vị trí mà ông và người cha quá cố gọi là “tổng thống trọn đời”. Sau cuộc nổi dậy năm 1986, Duvalier buộc phải trốn ra nước ngoài và sống lưu vong.

Trong ảnh là tướng Antonio Kebreau (trái), người kiểm soát quân đội Haiti và Jean-Claude Duvalier trong lễ nhậm chức ở Port-au-Prince hồi tháng 10/1957.

Lực lượng của tổng thống Jean-Claude Duvalier diễu hành bên ngoài cung điện quốc gia ở Port-au-Prince ngày 15/5/1963, thời điểm ông kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo theo hiến pháp và tuyên bố là “tổng thống trọn đời”.

Năm 1990, bị bủa vây bởi tình trạng hỗn loạn và tham nhũng do chế độ của Duvalier, Haiti tổ chức bầu cử tự do, đưa Jean-Bertrand Aristide lên nắm quyền tổng thống với khoảng 67% phiếu bầu. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của Aristide rất ngắn ngủi. Chưa đầy một năm sau, ông bị lật đổ sau một cuộc đảo chính quân sự và phải tới Venezuela lánh nạn.

Dưới sự can thiệp của Mỹ, chế độ quân sự của Haiti bị lật đổ, Aristide được đưa về nước và tiếp tục nắm quyền vào năm 1994. Trong ảnh là cựu tổng thống Aristide được lực lượng an ninh nâng lên vai sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 6/1995.

Năm 1996, người kế nhiệm của Aristide là Rene Preval lên nắm quyền, đánh dấu lần đầu tiên Haiti chuyển giao quyền lực suôn sẻ sau gần 200 năm tuyên bố độc lập.

Tuy nhiên, những nỗ lực đảo chính sau đó và cuộc bầu cử đầy tranh cãi đã đẩy Haiti tiếp tục lún sâu vào bất ổn chính trị.

Trong ảnh là hai lính Mỹ đang bảo vệ một nghi phạm khỏi đám đông sau khi người này bị nghi ném quả nổ vào nhóm người tuần hành ủng hộ Aristide ở Port-au-Prince hồi tháng 9/1994. Vụ tấn công khiến 5 người chết và hơn 40 người bị thương.

Ngoài bất ổn chính trị, Haiti còn hứng chịu thiên tai triền miên. Vào năm 2010, quốc gia này xảy ra trận động đất mạnh 7 độ, khiến hơn 200.000 người thiệt mạng và phá hủy hàng loạt ngôi nhà. Bất chấp các nỗ lực cứu trợ quốc tế, tình cảnh của người dân Haiti vẫn không được cải thiện, tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội.

Trong ảnh là một nhóm người Haiti đang xông vào cướp phá một cửa hàng ở thủ đô Port-au-Prince hồi tháng 1/2010, sau nhiều ngày thiếu thốn đồ ăn thức uống vì động đất.

Haiti cũng trải qua một đợt bùng phát dịch tả nghiêm trọng trong 9 năm, khiến 10.000 người tử vong. Trong ảnh là một cậu bé 13 tuổi được người thân bế trên tay sau khi ngất xỉu tại một cơ sở điều trị bệnh tả ở Cabaret, Haiti, vào tháng 11/2010.

Hỗn loạn gần đây nhất ở Haiti bắt nguồn từ những bất đồng trong thời gian tổng thống Jovenel Moise tại vị.

Moise đã điều hành Haiti, quốc gia nghèo nhất châu Mỹ, bằng sắc lệnh (bỏ qua sự giám sát của quốc hội) trong hơn một năm, khi từ chối tổ chức bầu cử quốc hội vốn được lên lịch diễn ra vào tháng 1/2020 và cách chức tất cả thị trưởng dân cử của đất nước vào tháng 7/2020, khi nhiệm kỳ của họ hết hạn.

Trong ảnh là Jovenel Moise (vẫy tay) khi còn là ứng viên tổng thống, tới gặp gỡ người dân ở Carrefour hồi tháng 10/2015.

Cảnh sát Haiti thu thập bằng chứng sau vụ ám sát Tổng thống Moise hôm 7/7. Vụ ám sát Moise làm trầm trọng thêm khủng hoảng ở Haiti trong bối cảnh nước này đang hứng chịu đợt bùng phát Covid-19 và chưa nhận được liều vaccine nào.

Vụ ám sát Tổng thống Moise được cho là sẽ tiếp tục đẩy Haiti vào hỗn loạn, khi đất nước này đối mặt với tình trạng nghèo đói và thiên tai triền miên. Lạm phát tăng cao, thực phẩm và nhiên liệu trở nên khan hiếm khi 60% dân số kiếm được dưới hai USD một ngày. Trong ảnh là một khu chợ đông đúc ở thủ đô Port-au-Prince hồi đầu tháng 6.

Theo Washington Post/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói