Căn nhà dột nát của mẹ con chị Xuân
Túp lều tạm bợ, xiêu vẹo của mẹ con chị Lê Thị Xuân và Lê Mạnh Hùng được lợp bằng những phiến fibro xi măng cũ nứt nẻ, 4 phía chằm bởi những tấm lá tro nhưng cũng thiếu trên hụt dưới nên không thể che chắn nổi những trận gió lạnh của mùa đông. Tài sản trong căn nhà ấy chỉ có chiếc giường cũ kỹ, tấm chăn mỏng và bộ bàn ghế nhựa làm nơi ăn uống của 2 mẹ con; cũng là nơi học tập của bé Hùng - học sinh lớp 1C Trường Tiểu học Phú Lộc.
Mấy ngày trước trời mưa gió, dây điện thắp sáng kéo từ nhà anh trai sang nhà mẹ con chị Xuân bị đứt. Sợ 2 mẹ con bị điện giật nên hàng xóm đã giúp cuốn dây lại. Không có điện, căn nhà nhỏ càng trở nên lạnh lẽo, côi cút hơn trong đêm đông buốt giá.
Căn nhà được che chắn tạm bợ bởi những tấm fibro xi măng cũ nứt nẻ và lá tro
Sinh năm 1989, năm nay chị Lê Thị Xuân đã ngoài 30 tuổi, nhưng trí óc như trẻ lên 5, suốt ngày chỉ cười ngớ ngẩn. Biết có người lạ đến chơi, bà con lối xóm đến rất đông. Ai cũng thương cảm hoàn cảnh của 2 mẹ con nhưng cuộc sống của người làng còn nhiều khó khăn nên sự hỗ trợ cũng chỉ mới dừng lại ở bát cơm, manh áo đắp đổi qua ngày.
Chị Lê Thị Nguyệt, chị gái Xuân cho biết: “Lúc nhỏ Xuân bị ốm, nhà nghèo không có tiền đưa em đi bệnh viện nên hễ có người bày cho bài thuốc nào là bố mẹ lại áp dụng cho em. Đến khi khỏi bệnh Xuân cũng trở nên ngớ ngẩn bởi uống quá nhiều loại thuốc”.
Bà con làng xóm thường chạy qua chạy lại với mẹ con Xuân, nhưng cuộc sống vẫn còn khó khăn nên họ chẳng thể giúp đỡ được nhiều.
Thế nhưng số phận vẫn luôn thử thách người khó khi cách đây 7 năm, gia đình phát hiện chị Xuân có biểu hiện khác thường. Đưa chị đi khám mới phát hiện cái thai đã lớn và bản thân Xuân cũng chẳng biết bố đứa trẻ là ai.
Nhà có 5 anh em, (Xuân là con thứ 4) nhưng ai cũng hoàn cảnh khó khăn nên hầu như không chia sẻ được nhiều. Cách đây 4 năm, khi sức khỏe của bố chị Xuân ngày một yếu đi, ông cụ đã quyết định cắt một phần đất trong mảnh vườn để làm nơi tá túc cho 2 mẹ con. Căn nhà nhỏ cũng được dựng lên bởi sự hỗ trợ của của anh em họ hàng, bà con lối xóm.
Tài sản trong căn nhà chỉ có chiếc giường và bộ bàn ghế nhựa
Bà Nguyễn Thị Tám - láng giềng gần của Xuân cho biết: “Vừa gần nhà, vừa là giáo viên dạy Xuân từ tiểu học nên tôi thương nó lắm. Học trước quên sau đến giờ nó vẫn không đếm nổi con số, cũng không biết tính tiền. Hoàn cảnh Xuân khó khăn nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể thỉnh thoảng giúp đỡ chút ít, cuộc sống của 2 mẹ con chủ yếu trông chờ vào nguồn trợ cấp 270 ngàn đồng/tháng của Nhà nước và vài luống rau xanh”.
Căn nhà mẹ con Xuân được dựng lên cách đây 4 năm, được làm từ những vật liệu tận dụng, chắp vá nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Mái nhà nứt toác, hồi nhà trống trải lộng gió, một trận mưa nhỏ cũng khiến nhà dột khắp nơi. Được biết, thời gian qua, chính quyền xã Phú Lộc cũng đã khảo sát đưa vào danh sách làm nhà ở cho hộ nghèo, nhưng hiện tại vẫn chưa có thông tin phản hồi.
Mấy hôm không có điện, bé Hùng tranh thủ kê bàn học bài trước cửa nhà
Những ngày không có điện, sau giờ học ở trường, bé Hùng lại kê bàn ra trước cửa để học bài. Bữa ăn của 2 mẹ con cũng diễn ra đơn giản, nhanh gọn bởi cũng không có nhiều thức ăn và cũng phải tranh thủ ăn trước khi trời tối.
Hùng cho biết: “Mấy hôm gió lùa vào lạnh lắm, 2 mẹ con chỉ biết dựa vào nhau cho ấm mà thôi. Cháu ước sao trong năm mới này, mẹ con cháu có được ngôi nhà ấm áp, không bị gió lùa, trời mưa không còn bị dột”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: chị Lê Thị Xuân, thôn Tân Tiến, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), hoặc Báo Hà Tĩnh, số 223 đường Nguyễn Huy Tự, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, số tài khoản: 0201000445566, Vietcombank Hà Tĩnh. |