Các nhà khoa học của New Zealand mới đây đã công bố những thông tin chấn động khi đưa ra dự báo rằng mực nước biển toàn cầu sẽ tăng thêm 20m nếu các nước trên thế giới không cùng nhau đẩy mạnh các cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris.
|
Ảnh minh họa: PA. |
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Victoria của New Zealand, được công bố trên tạp chí khoa học uy tín Nature, nếu thế giới không nghiêm túc thực hiện các cam kết kiềm chế phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris và nhiệt độ trái đất tăng trên 20C, lịch sử nước biển dâng có thể sẽ lặp lại như đã từng xảy ra cách đây khoảng 3 triệu năm.
Nghiên cứu cho thấy, tại thời điểm của thế Pliocen hay còn gọi là thế Thượng Tân, nồng độ khí CO2 tương đương như hiện nay và nhiệt độ trái đất ấm hơn vài độ C đã khiến mực nước biển dâng trong khoảng từ 5 đến 25m.
Đáng chú ý, hơn 90% lượng nhiệt từ sự nóng lên toàn cầu đang được các đại dương hấp thụ, trong đó phần lớn là Nam Đại Dương hay còn gọi là Nam Băng Dương, nơi có những dải băng khổng lồ ở Nam Cực.
Theo giáo sư Tim Naish, nhà nghiên cứu về sông băng của Đại học Victoria, các dải băng ở Nam Cực hiện lưu trữ khối lượng nước tương đương 60m nước biển. Nếu nhiệt độ trái đất tăng trên 20C, các dải băng ở phía Đông và Tây của Nam Cực tương đương 1/3 khối lượng băng của Nam Cực sẽ tan chảy, khiến mực nước biển toàn cầu tăng thêm 20m trong nhiều thế kỷ tới.
Ông Tim Naish cũng cho biết, mực nước biển trên trái đất sẽ tăng khoảng 1,2m vào cuối thế kỷ này nếu thế giới vẫn duy trì mức phát thải cao như hiện nay.