Nguồn tin từ Bộ tư lệnh Trung Tâm (CENTCOM) cho biết, phi đội F-22 được điều tới căn cứ tại Qatar nhằm "bảo vệ lực lượng và lợi ích của Mỹ" sau vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái.
"Phi đội tiêm kích tàng hình F-22 đã hạ cánh xuống căn cứ Al Udeid tại Qatar. Đây là lần đầu chúng được triển khai tới Qatar nhằm bảo vệ lực lượng và lợi ích của Mỹ trong khu vực thuộc trách nhiệm của CENTCOM", lực lượng CENTCOM cho biết.
Hình ảnh được cho là tốp F-22 đầu tiên vừa đến Qatar. |
Mặc dù vậy, Lầu Năm Góc không cho biết chính xác số lượng cũng như phiên bản F-22 được điều động lần này có gì khác so với những chiếc được rút khỏi Trung Đông trước đó hay không.
Nhưng một số nguồn tin giấu tên cho biết ít nhất 9 chiếc F-22 thuộc Phi đoàn tiêm kích số 192 của Không quân Vệ binh Quốc gia Mỹ đã tới Trung Đông, ba chiếc nữa dự kiến cũng được điều tới đây trong thời gian tới.
Tất cả phi đội tiêm kích tàng hình này có khả năng đánh chặn rất mạnh sau khi hoàn tất gói nâng cấp mới. Nguồn tin cho biết, phi đội F-22 Raptor đã được nâng cấp lên phiên bản Increment 3.1, sau đó là Increment 3.2A và Increment 3.2B.
Trong khuôn khổ hiện đại hóa F-22 lên thành phiên bản Increment 3.1 hiện đã được Lockheed Martin thực hiện (bắt đầu từ tháng 3/2012 và vừa hoàn tất hồi đầu tháng 6/2019), các máy bay đã được trang bị radar cải tiến có khẩu độ tổng hợp có khả năng thiết lập bản đồ địa hình, độc lập phát hiện các mục tiêu mặt đất và dẫn bắn.
Ngoài ra, phiên bản mới còn được trang bị thêm 8 bom SDB 113 kg. Từ năm 2014, chương trình nâng cấp F-22 lên phiên bản Increment 3.2A sẽ bắt đầu được thực hiện. Trên phiên bản này dự kiến sẽ được lắp đặt các hệ thống tác chiến điện tử và nhận biết mục tiêu mới.
Tàng hình cơ F-22 phiên bản Increment 3.2A cũng có thể đối chiếu thông tin nhận được qua máy thu chuẩn Link 16 (trên F-22 máy này chỉ thực hiện chức năng tiếp nhận thông tin) với các thông tin có trong cơ sở dữ liệu cũng như kết hợp với các thông tin nhận được từ các cảm biến riêng.
Chương trình nâng cấp F-22 lên phiên bản Increment 3.2B đã bắt đầu từ năm 2017. Chương trình này kéo dài 6 năm, tới năm 2023. Dự kiến, các máy bay F-22 phiên bản này sẽ được trang bị các hệ thống dẫn đường và tác chiến điện tử hiện đại.
Hệ thống tự động hóa và chương trình tin học hóa trên máy bay cũng được cải tiến. Nhờ đó, F-22 có thể sẽ được trang bị các tên lửa AIM-120D AMRAAM và AIM-9X Sidewinder lớp không đối không.
Ngoài gói hợp đồng nâng cấp trên, Không quân Mỹ còn chi thêm tiền nhằm cải tiến F-22 lên phiên bản Increment 3.3. Nếu thông tin về gói nâng cấp mới dành cho những chiếc F-22 mới điều đến Qatar được Mỹ xác nhận điều đó cũng đồng nghĩa với việc, Không quân nước này đang sở hữu phiên bản máy bay có khả năng đánh chặn cực mạnh.