Trang USNI News dẫn tuyên bố của Trung tướng Eric Smith, phó chỉ huy phát triển và tích hợp chiến đấu của Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết, việc mua tên lửa Israel nhằm bù đắp vào chỗ trống hỏa lực sau khi lực lượng này loại biên toàn bộ xe tăng hạng nặng Abrams.
Ngoài ra, họ còn dự kiến loại bỏ hầu hết các loại pháo phản lực và một số lượng đáng kể các đơn vị không quân. Bù lại, binh chủng này sẽ tăng số lượng lớn tên lửa tầm xa và tên lửa chống hạm, tên lửa tầm gần trang bị trên xe chiến đấu hạng nhẹ.
Tất cả những vũ khí mà binh chủng này cho rằng sẽ hữu ích hơn trong các chiến dịch tấn công đảo ở Nam Thái Bình Dương.
Tên lửa chống tăng đa năng Spike NLOS. |
Cùng với gói mua sắm vũ khí mới, Thủy quân lục chiến cũng xác định Trung Quốc là mối đe dọa đối với Mỹ và các đồng minh trong những năm tới. Hầu hết các chuyên gia tin rằng trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai nước, biển Đông sẽ là một “nhà hát chiến tranh” lớn.
Chuyên gia Kyle Mizokami viết trên USNI News rằng, nếu chiến tranh nổ ra, Thủy quân lục chiến Mỹ gần như chắc chắn sẽ tiến vào Biển Đông trên các tàu vận tải của hải quân và chiếm giữ các căn cứ quân sự, tước đoạt cảng và sân bay của Trung Quốc để ngăn chặn họ triển khai sức mạnh quân sự.
Kích thước nhỏ của các đảo (mà Trung Quốc đang chiếm đóng và cải tạo trái phép) giới hạn quy mô của lực lượng bảo vệ chúng, cũng như quy mô của lực cần thiết để đánh chiếm chúng.
Thủy quân lục chiến Mỹ rõ ràng nghĩ rằng các xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams nặng 65 tấn không cần thiết trong các cuộc tấn công đổ bộ chiếm đảo, đặc biệt là vì Trung Quốc khó có thể đặt xe tăng của họ trên các đảo này.
Pháo hạng nặng 155 mm cũng sẽ không cần thiết, vì các đảo quá nhỏ, không cần pháo với tầm bắn quá lớn. Thủy quân lục chiến Mỹ đang loại bỏ tất cả bốn tiểu đoàn xe tăng, bao gồm ba ba tiểu đoàn đang hoạt động và một tiểu đoàn dự bị. Lực lượng này đã sử dụng xe tăng trong 97 năm liên tục.
Đồng thời với việc sẽ loại bỏ khoảng 200 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams khỏi kho vũ khí, các đơn vị công binh có khả năng thiết lập các cầu di động cũng sẽ biến mất, vì không hòn đảo nào có sông hay suối.
Binh chủng này cũng sẽ loại bỏ ba tiểu đoàn bộ binh, mỗi tiểu đội có khoảng 800 lính, 16 trong số 21 khẩu pháo, hai trong số sáu đại đội đổ bộ và bốn phi đội trực thăng. Mỗi đơn vị sẽ chỉ có 10 tiêm kích F-35 thay vì kế hoạch là 16.
Và trong chiến lược cải tổ sức mạnh của Thủy quân lục chiến nhằm đối phó với Trung Quốc trong một cuộc chiến tiềm tàng, tên lửa Spike NLOS được đánh giá là có vai trò đặc biệt quan trọng.
Bởi theo nhà sản xuất Israel giới thiệu, Spike NLOS có tầm bắn lên tới 25 km, phạm vi của Spike vượt xa các tên lửa chống tăng do Mỹ, Nga hay châu Âu sản xuất. Spike NLOS là hệ thống tên lửa đa năng có tầm bắn xa tới 25km.
Tên lửa có thể tiến công các mục tiêu ở vị trí bị che khuất hoàn toàn nhờ hệ thống ống phóng thẳng đứng. Các tên lửa Spike NLOS có 2 chế độ tiến công gồm tiến công trực tiếp (đối với mục tiêu trong tầm nhìn thấy) hoặc tiến công mục tiêu nhờ xác định vị trí tọa độ sau khi đã được phóng lên (đối với mục tiêu bị che khuất hoặc ở xa).
Spike NLOS còn được trang bị hệ thống dẫn đường quang - hồng ngoại với hệ thống cảm biến kép nên nó dễ dàng phát hiện mục tiêu. Hệ thống dẫn đường này cũng giúp Spike NLOS tiến công chính xác các mục tiêu cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết.
Ngoài công năng chính là diệt tăng và các phương tiện bọc thép, Spike NLOS còn được biết đến là tên lửa chống hạm cực mạnh mẽ. Tên lửa này rất hiệu quả trong nhiệm vụ tiêu diệt những tàu đổ bộ, tàu chiến cỡ nhỏ.
Vì vậy, khi Spike NLOS được Thủy quân lục chiến Mỹ lựa chọn, tên lửa này sẽ rất thích hợp cho nhiệm vụ tấn công các đảo nhỏ trên Thái Bình Dương một khi xung đột xảy ra.