Nếu một ngày về nhà không thấy nhau

Hầu như chiều nào đi làm về tôi cũng bắt gặp hình ảnh người đàn ông ấy ngồi ở góc quán cà phê đối diện cổng nhà mình. Hình ảnh ấy trở thành thói quen trong thị giác tôi. Chiều nay đi làm về tự nhiên lạ lẫm khi không thấy người đàn ông kia ngồi đó nữa.

neu mot ngay ve nha khong thay nhau

Một hôm vui chuyện tôi buột miệng hỏi, chị chủ quán cà phê kể: Anh ấy là bạn của chị. Anh có một người vợ xinh, một cô con gái ngoan. Hạnh phúc tưởng là điều nằm gọn trong lòng bàn tay, bỗng một ngày như trơn tuột mất. Anh vô tình đọc được tin nhắn hẹn hò trong inbox trang cá nhân của chị với một người đàn ông khác. Với anh, yêu là tin tưởng, yêu là thủy chung, tuyệt đối không có chỗ cho sự lừa dối. Vậy nên dù vợ có khóc lóc phân bua rằng mọi sự chỉ là “cơn say nắng” nhất thời, rằng chị chưa làm gì vượt quá giới hạn đắc tội với anh, thì anh vẫn không thể tha thứ. Theo lời khuyên của mọi người, anh quyết định li thân một thời gian trước khi nghĩ đến chuyện li hôn. Thế nhưng vì có lẽ việc sống chung như vậy quá ngột ngạt nên vợ anh xin đưa con về nhà ngoại. Từ ngày xảy ra chuyện anh và vợ ngoài những câu hỏi đáp thông thường ra thì hầu như không trò chuyện. Nhưng anh vẫn quen mỗi chiều về nhà có vợ ở đó, quen với căn nhà có bàn tay phụ nữ chăm lo, tiếng vợ nhắc nhở cưng nựng con, tiếng con khóc cười chí chóe. Vắng vợ con, nhà không còn là nhà. Từ đó mỗi chiều tan sở, thay vì về nhà thì anh ghé ngồi quán cà phê. Anh nói anh sợ về nhà, sợ cái cảm giác trống vắng một mình trong căn nhà im ắng.

Tôi hỏi chị chủ quán:

- Nhưng mấy hôm nay em không thấy anh ta ghé quán chị?

- Ừ, anh ấy đón vợ con về nhà rồi, có lẽ cũng đã suy ngẫm đủ nhiều để biết rằng nếu còn cần nhau thì nên rộng lượng. Dù sao cũng là vợ chồng, đâu có thể nói bỏ là bỏ, huống hồ gì còn con.

Không thể đòi hỏi một cái kết tốt hơn nữa trong câu chuyện này, dẫu biết rằng bỏ qua không đồng nghĩa với quên đi. Thứ tha cho một người đã khó, thứ tha cho người mình yêu lại càng khó hơn, bởi yêu càng đậm thì nỗi đau càng sâu. Chuyện xảy ra cũng đã xảy ra rồi, tha thứ không thể thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể làm cho tương lai tốt đẹp hơn.

Ở khu tôi ở có hai vợ chồng nọ đến với nhau từ thời nghèo khó. Thời gian đầu chị vợ chỉ luôn ước có thể ăn một bữa ngon trong nhà hàng mà không phải phân vân về giá cả. Điều ước đó chị có được. Sau rồi chị ước chỉ cần có một ngôi nhà đẹp thì đời chẳng còn mong ước gì hơn. Rồi chồng chị cũng xây cho chị được một ngôi nhà như mơ ước. Khi đời sống khá giả, khi không còn nặng gánh áo cơm, chồng chị có xu hướng tìm vui bên ngoài. Chồng chị ngoại tình, về nhà đòi li hôn, chủ động nhường ngôi nhà đang ở cho mẹ con chị. Chị khóc đứng khóc ngồi nhờ cha mẹ anh em đến khuyên ngăn. Chị nói chị chỉ cần chồng, chứ ăn ngon mặc đẹp, nhà cao cửa rộng mà gia đình li tán thì mọi thứ cũng chẳng để làm gì.

Có chị trò chuyện với tôi kể rằng vợ chồng chị khắc khẩu, hễ cứ về nhà là cự cãi nhau, hễ bất đồng là chửi rủa. Ấy thế mà vợ đi đâu về muộn là chồng đi ra đi vào trông ngóng, chồng đi nhậu về khuya là vợ thức cửa ngồi chờ. Đôi bận chồng say, về nhà nôn ói rồi chửi rủa ì xèo, chị tức quá kêu lên “anh say sao không ngã xe té chết luôn ngoài đường đi, còn về nhà hành vợ hành con đến khổ”. Thế nhưng, có lần nhận được điện thoại báo thấy anh nằm bất tỉnh dọc đường gần nhà, chị vừa chạy vừa khóc tưởng như tim mình đang bị ai bóp chặt không thở được. Hóa ra là chồng chị say quá, đi xe bị ngã rồi nằm ngủ luôn bên vệ đường. Tay chân xây xát tí thôi mà về mấy ngày chị cứ xót xa trách móc. Chị bảo “lúc điên lên thì cứ độc mồm độc miệng cho hả vậy thôi, chứ vợ chồng ăn ở với nhau, thương nhau còn không hết. Anh ý mà có bề gì, mình cũng không biết sống làm sao”.

Không phải vô cớ mà giữa triệu triệu người ta lại chọn một người để kết đôi thành chồng thành vợ. Chúng ta có thể không tin vào duyên tiền định, nhưng chắc chắn có những điểm yêu thích, tương đồng. Tất nhiên, sẽ có những sóng gió khiến con thuyền hôn nhân chòng chành, sẽ có lúc làm đớn đau nhau tưởng không thể vượt qua, sẽ có lúc chán chường đến không còn muốn nhìn mặt. Nhưng rồi, sau tất cả sẽ là những khoảnh khắc bình yên, đủ để nhận ra rằng hạnh phúc đơn giản chỉ là dù ngoài kia có sấm chớp bão giông thì bên cạnh vẫn có một người ở đó.

Chồng tôi từng nói với tôi: "Em giận anh, im lặng cũng được, ngủ riêng cũng được, không nấu cơm cũng được, nhưng anh gọi đừng không bắt máy, cũng đừng đi đâu đó mà không cho anh biết. Về nhà mà không thấy em đâu, không biết em đang ở chốn nào, anh sợ lắm". Cái nỗi sợ ấy khiến tôi càng trân quý những ngày tháng có anh hơn. Bởi biết đâu đấy, cuộc đời lắm nỗi bất ngờ, hôm nay còn ngồi bên nhau, ai biết mai đường đã hai lối rẽ.

Đôi lúc, chứng kiến một vài cuộc chia ly tôi vẫn tự hỏi lòng: Không biết khi người ta tìm kiếm những phút vui ngoài vợ ngoài chồng, người ta có nghĩ đến việc đã tự mình làm biến dạng niềm hạnh phúc gia đình bao năm gây dựng. Người ta có nghĩ đến cảnh sau phút đam mê trở về nhà sẽ không còn thấy vợ mình, chồng mình đón mình ở đó. Rồi khi nhìn chiếc giường trống, căn bếp lạnh, bình hoa đã héo và đôi dép lặng ở góc nhà, liệu có thấy lòng mình hoang hoải? Người ta có nghĩ đến cảnh rồi một ngày về nhà không thấy dáng hình quen thuộc, không nghe giọng nói thân thương, mọi yêu thương, mọi kỉ niệm chỉ mới hôm qua thôi mà đã hóa đống tro tàn không cách gì khơi ấm lại.

Nếu một ngày về nhà chẳng còn thấy người mình yêu đâu nữa, vậy có buồn không?

Theo Dân trí

Đọc thêm

8 kiểu tư duy khiến bạn nghèo

8 kiểu tư duy khiến bạn nghèo

Tư duy sai nghĩa là bạn nhìn thế giới qua lăng kính của sự khan hiếm và thiếu thốn, không thấy được sự phong phú và những cơ hội xung quanh mình.
Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Những đứa con từng bị cha mẹ giám sát kỹ càng giờ đây đảo ngược vai trò. Nhiều người cảm thấy khó chịu, số khác thấy đây là cách để gắn kết gia đình.
Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Khi bắt đầu làm bartender 20 năm trước, Zhang Yuan thường thấy khách độ tuổi 30-40 uống rượu xã giao trong công việc, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.
Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Kết hôn khi quá trẻ, cả hai người đều chưa chín chắn, trưởng thành có thể dẫn đến ly hôn, nhưng chờ đợi quá lâu cũng gây ra nhiều vấn đề.
6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

Hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi, ô nhiễm không khí, vi nhựa, béo phì, uống rượu và tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ.
8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

Ăn đa dạng, phối hợp đạm động vật và thực vật, không ăn mặn, tiêu thụ rau quả hàng ngày, là những nguyên tắc được chuyên gia dinh dưỡng khuyên giúp sống thọ.
Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Khảo sát công ty tuyển dụng quốc tế Robert Walters (Mỹ) cho thấy 50% Gen Z và thế hệ Millennials không thoải mái nếu phải thực hiện cuộc gọi thoại trong công việc.
Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành Nhật Bản thấp nhất trong số các quốc gia có thu nhập cao, ở mức 3,3%.