Nga dội 379 tên lửa, UAV vào Ukraine, máy bay NATO xuất kích đề phòng

Nga tiếp tục tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine, trong khi Ba Lan và Thụy Điển triển khai máy bay chiến đấu xuất kích để đề phòng tình hình.

a1.jpg
Đám cháy bùng phát sau một cuộc không kích của Nga vào Kiev (Ảnh: Kyiv Independent).

Không quân Ukraine xác nhận Nga đã tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine bằng 379 vũ khí trên không gồm tên lửa và máy bay không người lái (UAV) trong đêm 18/7, rạng sáng 19/7.

Theo Không quân Ukraine, Nga tấn công bằng 344 máy bay không người lái, 12 tên lửa đạn đạo Iskander-M/KN-23, 8 tên lửa hành trình Iskander-K và 15 tên lửa hành trình Kh-101.

Không quân Ukraine xác nhận lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 208 vũ khí trên không của Nga, bao gồm 185 tên lửa hành trình Shahed, 7 tên lửa đạn đạo Iskander-M/KN-23, 7 tên lửa hành trình Iskander-K và 9 tên lửa hành trình Kh-101.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã phóng UAV và tên lửa vào các khu vực Donetsk, Kirovohrad, Dnipro, Sumy, Kherson, Volyn, Zaporizhzhia, Mykolaiv, Odessa và Zhytomyr.

Khi Nga phát động cuộc không kích vào Ukraine, lực lượng vũ trang Ba Lan thông báo đã triển khai "tất cả lực lượng và phương tiện sẵn có", bao gồm điều động máy bay chiến đấu và đặt hệ thống phòng không mặt đất cùng trinh sát radar ở "trạng thái sẵn sàng cao nhất".

Lực lượng vũ trang Ba Lan cho biết 2 tiêm kích Ba Lan và Thụy Điển đang làm nhiệm vụ tại Ba Lan đã được điều động khi Nga không kích Ukraine.

Theo lực lượng vũ trang Ba Lan, động thái này nhằm đảm bảo an ninh cho không phận quốc gia trước cuộc không kích của Nga vào Ukraine.

Đây là lần thứ 2 trong vòng một tuần Ba Lan xuất kích máy bay chiến đấu để bảo vệ không phận khi Nga không kích Ukraine.

7 ngày trước đó, lực lượng vũ trang Ba Lan cũng thông báo các máy bay chiến đấu đã được triển khai và lực lượng quân sự được đặt trong tình trạng báo động cao do các cuộc không kích của Nga, "đặc biệt là ở phía tây Ukraine", giáp biên giới Ba Lan.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga vào Ukraine đôi khi đã lan sang các quốc gia NATO như Ba Lan và Romania, nơi có chung biên giới với Ukraine.

Các nước thành viên NATO có nghĩa vụ chung phải đáp trả các cuộc tấn công vào các quốc gia liên minh theo điều khoản phòng vệ tập thể.

Máy bay Anh và Thụy Điển đã đến Ba Lan vào đầu tháng 4 để thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không của NATO trong nhiều tháng tại quốc gia Đông Âu.

Gần đây, Nga liên tục thực hiện các cuộc không kích với quy mô kỷ lục nhằm vào Ukraine.

Các cuộc không kích của Nga gây sức ép lớn lên hệ thống phòng không của Ukraine.

Trong bối cảnh đó, các đồng minh tìm cách tăng cường viện trợ khẩn cấp cho Kiev. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “không hài lòng” với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì không cam kết thực hiện thỏa thuận hòa bình.

Ông Trump cũng cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ khôi phục viện trợ quân sự cho Ukraine, sau khi Lầu Năm Góc thông báo tạm dừng chuyển một số lô vũ khí đến Kiev, bao gồm tên lửa phòng không.

Quyết định của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh Ukraine rất cần thêm tên lửa đánh chặn Patriot do Mỹ sản xuất để đẩy lùi các cuộc không kích của Nga.

dantri.com.vn

Đọc thêm

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Tổng thống Mỹ Trump ra tối hậu thư đề nghị Nga giải quyết cuộc xung đột Ukraine trong 50 ngày hoặc đối mặt mức thuế cao.
Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chống khủng bố ví việc theo sát các tổ chức khủng bố trên không gian số và mạng xã hội như một trò “đuổi bắt bất tận” – xử lý xong chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Vấn đề này ngày càng rối rắm do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.