Theo báo cáo của đại tá quân dự bị Nikolai Poroskov và được đăng trên tạp chí của Bộ Quốc phòng Nga , kỹ năng siêu việt của binh sĩ ưu tú Nga được mô tả bằng cụm từ “parapsychology”, thuật ngữ mô tả về khả năng ngoại cảm, còn gọi là “thần giao cách cảm”.
Các kỹ thuật này được cho là đã phát triển trong thời gian dài ở Liên Xô vào những năm 1980, bằng cách nghiên cứu thần giao cách cảm ở cá heo, báo cáo cho biết. Báo cáo tuyên bố rằng bây giờ những người lính có thể giao tiếp với cá heo.
Báo cáo có tựa đề “Siêu chiến binh cho cuộc chiến tương lai” đã bị nhiều chuyên gia hoài nghi. Nhưng sự xuất hiện của bài viết trong tạp chí Armeisky Sbornik của Bộ Quốc phòng Nga dù sao cũng rất đáng chú ý.
Báo cáo viết: “Với nỗ lực bằng suy nghĩ, bạn có thể, ví dụ đánh sập chương trình máy tính, đốt cháy tinh thể trong máy phát điện, nghe lén cuộc trò chuyện, phá vỡ các chương trình truyền hình, phát thanh và truyền thông. Những người lính trong chương trình này cũng có khả năng siêu việt như tiến hành thẩm vấn không lời. Họ có thể nhìn sâu vào bên trong người lính bị bắt, để xác định những thông tin như người này là ai, điểm mạnh, yếu và liệu có thể chiêu mộ họ hay không”.
Những siêu chiến binh tương lai của Nga có thể chiến đấu bằng suy nghĩ. Đồ họa: Bruno Marion. |
Các binh sĩ thậm chí còn có thể đọc tài liệu giấu trong két sắt ngay cả khi nó viết bằng tiếng nước ngoài. Những binh sĩ ưu tú tham gia chương trình cũng được huấn luyện về các biện pháp đối phó bằng ý chí. Các kỹ thuật này giúp người lính trở nên mạnh mẽ hơn trong thẩm vấn bằng suy nghĩ của đối phương.
Báo cáo cho biết thêm lực lượng đặc nhiệm Nga đã sử dụng kỹ thuật thần giao cách cảm trong cuộc xung đột ở Chechnya, diễn ra từ giữa những năm 1990 cho đến cuối những năm 2000.
Tuy nhiên, Yevgeny Alexandrov, chủ tịch Ủy ban chống giả mạo khoa học, Viện hàn lâm Khoa học Nga, nói với hãng tin RBK rằng thần giao cách cảm là “một sự bịa đặt” và được xem là giả khoa học.
Ông nói: “Những công trình như vậy thực sự tồn tại và được phát triển một cách bí mật. Bây giờ chúng được đưa ra ánh sáng. Như ở nhiều nước trên thế giới, những nghiên cứu như vậy được coi là giả khoa học và tất cả đều hoàn toàn vô nghĩa”.
Ông Alexandrov cho biết thêm việc điều khiển ý nghĩ từ xa không có cơ sở khoa học, không có trường hợp nào được ghi lại như vậy, điều đó đơn giản là không thể. Tuy nhiên, Anatoly Matviychuk, thuộc tạp chí quân sự Những người lính Nga , nói với RBK rằng thần giao cách cảm là có thật.
“Kỹ thuật này được phát triển bởi Viện hàn lâm khoa học Liên Xô trong nỗ lực khám phá đặc điểm phi thường của con người. Một nhóm chuyên gia đã làm việc dưới sự chỉ đạo từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô. Thành tựu nghiên cứu ở thời điểm đó vẫn tồn tại và đang có những nỗ lực để kích hoạt lại chúng”, ông Matviychuk nói.