Rosoboronexport cho biết các loại vũ khí Nga có kế hoạch tung ra thị trường quốc tế là những khí tài quân sự mới nhất liên quan tới các hệ thống phòng không, máy bay vận tải quân sự và chiến đấu, cũng như khí tài thiết giáp, khí tài hải quân và pháo binh.
Trong số những loại vũ khí trên có thể kể đến như xe tăng T-14 Armata, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57, dòng súng trường tự động thế hệ mới Kalashnikov, radar 59N6-TE có khả năng phát hiện những mục tiêu siêu thanh và nhiều vũ khí khác.
Army 2020 đang thu hút đại diện của 92 quốc gia trên thế giới tham gia, với hơn 28.000 đơn vị khí tài quân sự được giới thiệu tại diễn đàn năm nay.
Khoảng 30 thỏa thuận với tổng trị giá 250 tỷ ruble được ký kết tại Army 2020
Không phải ngẫu nhiên mà người Nga gọi Diễn đàn quốc tế “Army 2020” là thời điểm của các hợp đồng lớn. Tại đây đang có sự góp mặt của gần 1.500 công ty, tập đoàn quốc phòng hàng đầu thế giới với khoảng 28.000 sản phẩm quân sự trang bị cho hải quân, lục quân và không quân. Điểm nhấn đương nhiên là dàn vũ khí mới của Nga đang được trưng bày, bao trùm mọi phân khúc của thị trường vũ khí hiện đại, thiết bị quân sự và thiết bị đặc chủng.
Theo Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov vừa công bố chiều 25/8 thì đã có khoảng 30 thỏa thuận với tổng trị giá 250 tỷ ruble (gần 3,4 tỷ USD) được ký kết bên lề diễn đàn. Cũng tại diễn đàn này năm ngoái, Nga đã nhận được 46 hợp đồng nhà nước trị giá gần 16 tỷ USD. Theo tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, con số của năm nay sẽ không ít hơn. Điều này để thấy sự quan tâm lớn của các đối tác nước ngoài đối với vũ khí Nga và diễn đàn này có tầm quan trọng đặc biệt với các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga để quảng bá sản phẩm của mình.
Xuất khẩu vũ khí trở thành ngành công nghiệp trụ cột kinh tế của Nga
Theo công bố của Bộ Quốc phòng Nga, doanh thu xuất khẩu vũ khí Nga ra nước ngoài năm 2019 là hơn 15 tỷ USD, đứng vị trí thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Xuất khẩu vũ khí đang dần trở thành một ngành công nghiệp trụ cột cho sự phát triển kinh tế Nga, và hiện danh mục hợp đồng xuất khẩu vũ khí Nga ước tính lên đến 50 tỷ USD.
Trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây, Nga không ngừng điều chỉnh chính sách xuất khẩu, trong đó sử dụng những vũ khí hiện đại nhất làm điểm khởi đầu. Hiện Nga đang mở rộng thị phần ở Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi. Các doanh nghiệp của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga đã học được cách hoàn thành đơn đặt hàng của các đối tác với tốc độ nhanh. Đó là việc chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, hay một loạt các hợp đồng vũ khí lớn với Ai Cập. Và lệnh cấm vận vũ khí mà Liên Hợp Quốc áp đặt đối với Tehran sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 là cơ hội để vũ khí Nga đặt chân đến Iran, bất chấp quan điểm của Mỹ.
Ở phạm vi toàn cầu, chi tiêu quốc phòng toàn năm ngoái đạt hơn 1,9 nghìn tỷ USD - tăng 3,6% so với năm trước và mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010. Xu thế này cho thấy việc tăng cường mua sắm thiết bị quân sự sẽ còn tiếp tục gia tăng, đồng nghĩa sự cạnh tranh trong việc phát triển, đưa ra thị trường các vũ khí, trang thiết bị quân sự mới sẽ còn sôi động hơn trong thời gian tới.
.
Xe tăng T-14 Armata
Dòng súng trường tự động thế hệ mới Kalashnikov
Hệ thống tên lửa phòng không
Radar 59N6-TE có khả năng phát hiện những mục tiêu siêu thanh và nhiều vũ khí khác