Nga muốn giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine

Quan chức Nga tuyên bố Moscow ủng hộ việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine một cách hòa bình trên bàn đàm phán, nhưng vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt.

Nga muốn giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine

Phái đoàn Nga - Ukraine đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3 (Ảnh: Getty).

“Nhờ cựu thủ tướng Đức Angela Merkel, một trong những bên bảo đảm cho các thỏa thuận Minsk, giờ đây chúng tôi biết chắc chắn rằng phương Tây đang tranh thủ thời gian, cố gắng trang bị vũ khí cho Ukraine và chuẩn bị cho tình huống này”, Phó đại diện thường trực phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky nói trong cuộc phỏng vấn hôm 13/12.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với báo Die Zeit hôm 7/12, bà Merkel cho biết mục đích thực sự của các thỏa thuận Minsk trong giai đoạn năm 2014-2015 nhằm kéo dài thời gian và cho phép Ukraine xây dựng tiềm lực quân sự cho cuộc đối đầu trong tương lai với Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết phát biểu của bà Merkel một lần nữa chứng minh rằng, việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine là một quyết định đúng đắn.

Ra đời năm 2015, Thỏa thuận Minsk được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến sự miền Đông Ukraine và tháo ngòi căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Điều khoản cốt lõi của Thỏa thuận Minsk là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các bên phải nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến.

Theo giải thích của Nga, các thỏa thuận Minsk buộc chính quyền Kiev phải sửa đổi về luật và hiến pháp, mở đường cho phép các lực lượng ly khai thân Nga tại vùng Donbass có đại diện trong chính quyền Ukraine. Tuy vậy, Moscow cho rằng, việc Nga công nhận độc lập cho Donbass và sáp nhập vùng lãnh thổ này là kết quả trực tiếp của việc Ukraine thất bại trong thực thi các thỏa thuận Minsk.

Theo ông Polyansky, Nga muốn đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự (ở Ukraine) “thông qua các biện pháp hòa bình và điều đó hoàn toàn khả thi”.

“Trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự (tại Ukraine), chúng tôi đã đề xuất với các nước phương Tây về việc đảm bảo an ninh cho Nga và thảo luận về Ukraine, về cách Ukraine cần thực hiện các thỏa thuận Minsk. Điều đó rất dễ thực hiện. Một số điều kiện rất dễ dàng. Trước hết, hãy ngừng bắn phá vào công dân của mình, thừa nhận thực tế rằng họ có quyền con người, họ có quyền nói ngôn ngữ của họ và tôn thờ những người anh hùng của họ”, ông Polyansky nói thêm.

“Nếu chúng tôi có thể đạt được điều đó thông qua các biện pháp khác, thông qua bàn đàm phán, thông qua một số hình thức bảo đảm, chúng tôi rất sẵn lòng làm điều đó, nhưng những gì chúng tôi nhận được từ phương Tây vào thời điểm này lại là cách đối xử xem thường và loại bỏ bất kỳ mối quan tâm nào của chúng tôi. Và sau đó, các cuộc pháo kích vào Donbass đã tăng cường đáng kể”, ông Polyansky cho biết.

Ông Polyansky nhắc lại rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin “đã nhiều lần tuyên bố chúng tôi sẵn sàng chấm dứt xung đột một cách hòa bình trên bàn đàm phán”.

“Nhưng tất nhiên, điều đó chỉ có thể thực hiện thông qua việc xem xét gốc rễ sâu xa của vấn đề này và loại bỏ chúng. Đối với Ukraine, đó là không gây ra bất kỳ mối nguy hiểm nào trong tương lai cho Nga. Còn bây giờ, những gì chúng ta thấy hoàn toàn ngược lại. Ukraine hoàn toàn đi sai hướng. Vì vậy, tôi e ngại rằng điều duy nhất mà chúng tôi có thể làm là tiếp tục chiến dịch quân sự và chúng tôi phải chiến đấu không chỉ với Ukraine, mà còn với vũ khí của NATO”, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Theo Dân trí

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.