Thế hệ radar ROFAR mới được phát triển trên nền tảng radar mảng định pha chủ động (AESA). Theo đại diện KRET, công nghệ radar mới giúp hệ thống nhỏ gọn và hoạt động hiệu quả hơn từ 2-3 lần so với các hệ thống AESA hiện tại.

Quá trình phát triển công nghệ radar mới đã được tiến hành từ năm 2015. Trong quá trình thử nghiệm, nguyên mẫu radar ROFAR cung cấp khả năng phát hiện các mục tiêu cỡ nhỏ như máy bay tàng hình ở khoảng cách tới 500km.

ROFAR là công nghệ radar mới được đánh giá mạnh mẽ hơn nhiều so với các dòng radar truyền thống.

Điểm khác biệt lớn nhất của ROFAR so với AESA là việc mở rộng băng tần hoạt động với sự góp mặt hệ thống phát chùm quang tử kết hợp với sóng radar truyền thống. Nhờ việc có thể thay đổi hỗn hợp các chế độ làm việc và mở rộng băng tần quét radar ở bước sóng tới 100 GHz, ROFAR có lợi thế rất lớn vì chưa phương tiện nào có khả năng đối phó hiệu quả với nó.

Cùng với đó, việc gây nhiễu hoặc áp chế điện tử với ROFAR cũng khó khăn hơn nhiều so với radar truyền thống. Chuyên gia thuộc KRET tính toán, các thiết bị gây nhiễu phải có công suất mạnh hơn thời điểm hiện tại từ 3-4 lần mới có thể gây ảnh hưởng tới dải sóng công tác của radar ROFAR. Ở thời điểm hiện tại, chưa có máy bay gây nhiễu nào mạnh mẽ như vậy được trang bị trên các phương tiện hàng không quân sự.

Hiện tại, các thông tin về quá trình phát triển và thời điểm đưa vào trang bị radar ROFAR mới chưa được công bố. Tuy nhiên, KRET dự kiến sẽ hoàn thành nguyên mẫu sớm để trang bị thử nghiệm trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57. Với hệ thống radar mới, máy bay chiến đấu Su-57 hoàn toàn có thể xếp vào thế hệ 5+ nhờ tính năng mạnh mẽ hơn đáng kể so với các dòng máy bay chiến đấu cùng thế hệ trên thế giới.

Với radar ROFAR, Su-57 có thể được xếp vào dòng máy bay thế hệ 5+ nhờ ưu thế công nghệ.

Không chỉ có Nga, cả Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang nghiên cứu công nghệ ROFAR. Tuy nhiên, chưa có thông tin về thành tựu nghiên cứu dòng radar mới ở các quốc gia nói trên.

Mới đây, Anh đã thử nghiệm một module radar áp dụng công nghệ ROFAR với các phần tử thu phát thể rắn làm từ Gallium Nitride. Tuy nhiên, từ nguyên mẫu công nghệ tới sản phẩm có khả năng hoạt động thực tế cần thời gian phát triển và hoàn thiện rất dài.