Hội nghị đối thoại về cơ chế giải quyết tranh chấp lĩnh vực đầu tư cho doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh nhà được Sở Tư pháp tổ chức vào ngày 12/9.
Sáng 12/9, một số DN trên địa bàn Hà Tĩnh đã tham dự hội nghị đối thoại về cơ chế giải quyết tranh chấp lĩnh vực đầu tư cho DN trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Tại hội nghị này, các đại biểu được nghe về sự cần thiết của công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư theo quy định của pháp luật cũng như một số giải pháp hạn chế xảy ra tranh chấp…
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, đại diện các DN đã trao đổi, đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo an toàn pháp lý khi có tranh chấp xảy ra.
Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh.
Ông Hồ Văn Cát – Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Hội nghị là cơ hội để các DN trên địa bàn hiểu rõ hơn quy định của pháp luật, đánh giá đúng tình hình những vụ tranh chấp đầu tư đã xảy ra trên thực tiễn. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đề cập, làm rõ những tồn tại, hạn chế để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa phát sinh rủi ro. Chúng tôi mong muốn Sở Tư pháp tiếp tục tổ chức nhiều buổi đối thoại như thế này để DN có cơ hội được tìm hiểu, mở mang thêm kiến thức pháp lý, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Thời gian qua, hoạt động của cộng đồng DN tại Hà Tĩnh được phục hồi và phát triển vượt bậc. Riêng năm 2022 đã ghi nhận số lượng DN được thành lập mới cao nhất từ trước đến nay với hơn 1.300 DN, chấp thuận chủ trương đầu tư cho 18 dự án (gồm 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 278 triệu USD). Bên cạnh đó, Hà Tĩnh đã tăng cường kết nối, xúc tiến dự án với các DN lớn để đầu tư hạ tầng…
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được phòng chuyên môn (Sở Tư pháp) chú trọng thực hiện.
Mặc dù vậy, sự phát triển về kinh tế cũng sẽ kéo theo những thách thức phát sinh, trong đó có vấn đề pháp lý. Vì lẽ đó, thời gian qua, Sở Tư pháp thường xuyên nghiên cứu, cho ý kiến pháp lý đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, tồn đọng hay vấn đề chưa được pháp luật quy định cụ thể, còn ý kiến trái chiều... Hằng năm, Sở Tư pháp đã tham gia góp ý về mặt pháp lý khoảng 50-60 vụ việc phát sinh liên quan tới các lĩnh vực: đất đai, đầu tư, tài nguyên, khoáng sản, xử lý vi phạm hành chính… Các ý kiến này là căn cứ quan trọng để xác định hướng giải quyết; đồng thời, giúp cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời, triệt để vướng mắc về mặt pháp luật, góp phần ổn định tình hình, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Ngoài ra, thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, Sở Tư pháp cũng đã phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; triển khai nghị định của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa, bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; hướng dẫn DN thực hiện các thủ tục vay vốn, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ… Qua đó, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phục vụ DN phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp tại Hà Tĩnh cũng đã được hướng dẫn thực hiện các thủ tục vay vốn.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: “Để công tác hỗ trợ pháp lý cho DN đạt hiệu quả, thời gian tới, cần phát huy vai trò, trách nhiệm ngay tại các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện công tác hỗ trợ theo quy định của pháp luật và chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2024 cũng như những năm tiếp theo.
Ngoài ra, phòng tư pháp các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong thực hiện công tác này. Điều quan trọng, các DN cần chủ động nghiên cứu quy định của pháp luật cũng như điều ước quốc tế về cơ chế giải quyết tranh chấp; khi cần có thể tham vấn các chuyên gia, luật sư, người am hiểu pháp luật để từ đó hạn chế rủi ro pháp lý”.