Sáng 11/1, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết ngành lao động, người có công và xã hội năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung thực hiện tốt chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội; tạo lập khuôn khổ pháp lý ngày càng minh bạch, bình đẳng, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, người già, trẻ em, người có công với cách mạng; tạo công bằng xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, và phát triển KT-XH.
Triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Chính phủ và các địa phương trong đại dịch Covid-19 đã hỗ trợ 31,5 nghìn tỷ đồng đảm bảo đời sống và hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động. Trong đó, ngân sách nhà nước chi trực tiếp 12,9 nghìn tỷ đồng cho trên 13 triệu người dân bị ảnh hưởng, góp phần quan trọng ổn định đời sống Nhân dân, tạo công ăn, việc làm cho người lao động, giúp ổn định tình hình lao động.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của ngành LĐ-TB&XH.
Năm 2020, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Kết quả, năm 2020 cả nước tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch; trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng khoảng 580 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,7 triệu người. Tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người.
Ước cả năm 2020 cả nước giải quyết việc làm khoảng 1,348 triệu người, đạt 83,8% kế hoạch và bằng 81,2% so với thực hiện năm 2019; trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 1,27 triệu người; đưa trên 78 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh
Giảm nghèo nhanh và bền vững được triển khai thực hiện tốt, thu nhập của hộ nghèo được nâng lên, đời sống được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) của cả nước giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 2,75% vào cuối năm 2020, giảm bình quân 1,43%/năm; riêng các huyện nghèo giảm còn dưới 24%, giảm bình quân trên 5,6%/năm.
Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”. Rà soát, tổng hợp tình hình giải quyết tồn đọng hồ sơ đề nghị xác nhận người có công tại các địa phương. Huy động nguồn lực của xã hội, cộng đồng chăm lo đời sống người có công với cách mạng; phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục chủ động, linh hoạt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tiếp tục cơ cấu đào tạo nghề theo cấp trình độ và ngành nghề theo kịp yêu cầu của thị trường lao động. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Nâng cao tỷ lệ bao phủ của BHXH; giảm tỷ lệ thất nghiệp; nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời, tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội.
Năm 2021, ngành LĐ-TB&XH sẽ bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động, linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới mục tiêu bao phủ toàn dân; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. |