Ngành tư pháp Hà Tĩnh không ngừng đổi mới sáng tạo

(Baohatinh.vn) - Cùng với hệ thống tư pháp trên cả nước, ngành tư pháp Hà Tĩnh không ngừng đổi mới, sáng tạo, tạo được dấu ấn đậm nét trên tất cả các lĩnh vực, qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng và Phó Giám đốc sở Nguyễn Quốc Tuấn chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Hoạt động trợ giúp pháp lý đứng top đầu cả nước

Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) của Hà Tĩnh là lĩnh vực nổi bật của ngành tư pháp Hà Tĩnh trong thời gian qua. Để tạo được dấu ấn riêng trong hệ thống TGPL, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh (thuộc Sở Tư pháp) đã xác định các mục tiêu trọng tâm như: xây dựng kế hoạch bổ sung nhân lực để mở rộng đối tượng được trợ giúp; tăng cường tập huấn, nâng cao mối quan hệ phối hợp, nhất là giữa trợ giúp viên pháp lý với luật sư nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế trong xã hội...

Đặc biệt, hoạt động hỗ trợ pháp lý trong tố tụng được Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đặc biệt quan tâm, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, bị can, bị cáo.

Cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh trao đổi một số nội dung liên quan đến việc đẩy mạnh truyền thông về TGPL.

Tháng 11/2021, em H.C.V. (SN 2004, trú xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh) trộm chiếc ví cùng một số thẻ điện thoại với tổng số tiền khoảng 3 triệu đồng và bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản”. Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Ngọc (Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh) nhận được yêu cầu cần TGPL từ gia đình em V.

Tiếp nhận vụ việc, một mặt, trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Ngọc kiên trì thuyết phục phía bị hạimức thỏa thuận bồi thường thiệt hại nhằm có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bịcáo, làm cơ sở để hội đồng xét xử cân nhắc khi lượng hình. Mặt khác, tranh thủ sự giúp đỡ từ các cơ quan tố tụng, tạo điều kiện cho V. được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhờ đó, V. đã hoàn thành kỳ thi quan trọng, đồng thời, được tuyên truyền về các quy định của pháp luật, tránh tái phạm.

Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đang tiến hành tư vấn pháp luật cho người dân.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thực hiện tư vấn pháp luật 46 vụ việc (12 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; 16 vụ việc hành chính; 18 vụ việc lĩnh vực khác); thực hiện 217 vụ việc tham gia tố tụng (tăng gấp 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2021), đã hoàn thành 110 vụ việc (tăng 133% so với cùng kỳ năm 2021).

Số lượng vụ việc thành công, hiệu quả ngày càng cao; các vụ việc có ý kiến tranh tụng, đề xuất của trợ giúp viên pháp lý, luật sư được tòa án chấp nhận, bảo đảm khách quan, đúng luật định trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Với những kết quả nổi bật trong công tác TGPL, Hà Tĩnh là nơi được Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng TP Cần Thơ lựa chọn để học tập, chia sẻ kinh nghiệm.

Trung tâm cũng phối hợp với các địa phương tổ chức 79 cuộc truyền thông về TGPL; cấp phát hơn 60.000 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu pháp luật; lắp đặt 63 bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, UBND các xã, phường, thị trấn.

Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Trần Thanh Minh trao đổi: “Hoạt động TGPL không chỉ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin về pháp luật; hạn chế tình trạng vi phạm, giữ gìn sự ổn định, trật tự an toàn xã hội mà còn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ được phát huy tốt nhất”.

Người dân là trung tâm trong xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Việc được tiếp cận với các văn bản pháp luật mới đã giúp người dân phát huy tối đa quyền lợi của mình.

Nhiều năm nay, cùng với thực hiện các tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Tượng Sơn (Thạch Hà) luôn xác định việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Ông Dương Kim Huy - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho hay: “Hướng tới mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tất cả các chỉ tiêu trong tiêu chí phổ biến pháp luật đều được địa phương rà soát thực hiện nghiêm, từ việc công khai văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về các dự thảo quy phạm pháp luật đến quán triệt, phổ biến chính sách mới”.

Công chức Tư pháp xã Tân Lâm Hương hướng dẫn người dân khi làm thủ tục về hộ tịch.

Lấy người dân làm trung tâm trong xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng là cách làm được 21 địa phương còn lại trên địa bàn huyện triển khai thực hiện. Nhờ vậy, năm 2021, 100% xã, thị trấn tại Thạch Hà được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 101/QĐ-UBND ngày 6/1/2022 của UBND huyện.

Tỷ lệ TTHC được giải quyết đúng thời hạn đạt cao, trên 90% sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ.

Dưới sự hướng dẫn của Sở Tư pháp, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, các xã, phường, thị trấn không chỉ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mà còn quan tâm đời sống pháp lý, quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người dân. Điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng thời hạn đạt cao, trên 90% sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ. Nhờ vậy, số lượng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại Hà Tĩnh tăng dần qua từng năm (121/262 đơn vị đạt chuẩn vào năm 2017 lên 207/216 đơn vị đạt chuẩn vào năm 2021).

Các mặt công tác khác mà ngành tư pháp Hà Tĩnh triển khai thực hiện thời gian qua như: xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp... cũng được đánh giá cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Cán bộ Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp) hướng dẫn người dân giải quyết các thủ tục pháp lý.

Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng khẳng định: “Thời gian tới, ngành tư pháp Hà Tĩnh tiếp tục bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật gắn với triển khai thi hành pháp luật, đề cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy cơ quan tư pháp các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng và năng lực của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói